(HNMO) - Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 25/5 quanh dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP.Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, Bộ sẽ nghe và tiếp thu các ý kiến từ nhiều phía và cân nhắc kỹ.
Xin Bộ trưởng cho biết các ý kiến về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP.Hồ Chí Minh đang được Chính phủ xử lý như thế nào?
Hiện tại, chúng tôi đang tập hợp ý kiến ĐBQH thảo luận ở các tổ, các bài viết trên các phương tiện thông tin truyền thông, từ đó hệ thống lại các nhóm vấn đề cần phải giải trình, tiếp thu thêm.
Thực ra, trong báo cáo tóm tắt và báo cáo nghiên cứu, chúng tôi đã có phân tích cụ thể về từng phương án, nhưng tờ trình Chính phủ chỉ đề nghị phương án 4. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta muốn đi ngay vào cái hiện đại. Hơn nữa, chi phí hệ thống đầu tư, sơ bộ tính ra thì phương án 4 chỉ đắt hơn phương án 3 từ 15% đến 20% nhưng nó lại giải quyết được một cách bền vững vận tải hành khách. Và đấy cũng là bài toán chúng ta muốn giải quyết trong chiến lược vận tải Bắc- Nam.
Có ý kiến cho rằng đây chưa phải là thời điểm để đầu tư xây dựng ĐSCT, Bộ trưởng nghĩ sao?
Đó cũng là một ý kiến cần phải xem xét nhưng chúng ta dự tính lộ trình 10 năm, đến 2020 là lộ trình thứ nhất, còn tùy hoàn cảnh cụ thể chúng ta sẽ xem xét. Hiện nay, cũng có những ý kiến đề nghị đẩy dự án sớm hơn. Tuy nhiên, mọi ý kiến đều cần phải cân nhắc.
Dự án khiến nhiều người băn khoăn vì chi phí lớn. Bộ trưởng có thể giải tỏa băn khoăn này?
Hiện giao thông của chúng ta tập trung hầu hết vào đường bộ. Như vậy, thường xuyên có nguy cơ rất lớn xảy ra nạn vì trên đường bộ, người ta phần lớn sử dụng các phương tiện cá nhân nhiều.
Không có nước nào trên thế giới mà xe khách đi khoảng cách dài như ở nước ta, từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, rồi vào tận Cà Mau… Nếu cứ để tình hình như thế này thì thị phần đường sắt mỗi năm từ khoảng 20% như hiện nay sẽ tụt xuống còn khoảng 5%, còn lại vận tải đường bộ gần như chiếm hết.
Chúng ta làm đường sắt chính là để phân bổ lại chiến lược vận tải. Kinh nghiệm vận tải thế giới đã cho thấy rằng, phải có giao thông bánh sắt thì mới giải quyết được khối lượng vận tải, mới tham gia và giải quyết được vấn đề giao thông đường dài một cách bền vững. Nếu cứ để thị phần vận tải đường sắt tụt dần thì đến một mức nào đó, đường bộ sẽ quá tải mặc dù vẫn được ưu tiên đầu tư.
Tại sao chúng ta lại không chọn phương thức đầu tư vốn khác ngoài vay ODA để triển khai dự án, thưa Bộ trưởng?
Một dự án lớn như vậy thì không thể làm sớm ngay được, phải mất 40 đến 45 năm. Dự án mới là phương án tổng thể, còn từng giai đoạn lại phải có những báo cáo cụ thể về tính hiệu quả riêng, rồi cách huy động vốn như thế nào... và trong khoảng thời gian 40 năm thì phương thức đầu tư, huy động vốn cũng có thay đổi.
Tuy nhiên, việc vay vốn ODA là cần thiết. Vay vốn OCR, vốn của các nhà đầu tư, vốn đối ứng của Nhà nước từ ngân sách… cũng cần thiết. Về sau này, doanh nghiệp càng phát triển lên thì chúng ta sẽ có thêm các hình thức hợp tác khác. Cho nên, trong báo cáo, Chính phủ đưa ra hai phương án và cũng kiến nghị Quốc hội cho kết hợp nhuần nhuyễn hai phương án chứ không áp dụng một phương án nhất định cụ thể nào.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.