(HNM) - Quốc hội Mỹ vừa thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng cho năm 2021, trong đó đề cập tới việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu. Động thái mới của xứ Cờ hoa được cho là nhằm cản trở việc hoàn tất công trình có tính chất như một biểu tượng hợp tác đầy tham vọng giữa châu Âu và Nga. Dự án này vốn đã bị chậm so với dự kiến do các đòn trừng phạt từ Mỹ.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là liên doanh giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga và 5 tập đoàn châu Âu. Sau khi được hoàn tất, 2 tuyến đường ống dài 1.200km sẽ có công suất lên tới 55 tỷ mét khối khí/năm, đi qua các vùng lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi của các quốc gia nằm bên bờ biển Baltic. Dự án trị giá 11 tỷ euro này được xây dựng song song với dự án Dòng chảy phương Bắc khánh thành năm 2011, vốn đã giúp vận chuyển 40 tỷ mét khối khí/năm từ Nga sang châu Âu.
Cùng với sự phản đối từ một số nước như Ukraine, Latvia, Litva và Ba Lan do lo ngại dự án sẽ gây tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị và đi ngược lại chính sách của châu Âu trong bảo đảm an ninh năng lượng, Mỹ lâu nay cũng luôn tìm cách ngăn chặn việc hoàn tất đường ống với lập luận đây là công cụ chính trị buộc Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của xứ Cờ hoa sang Lục địa già. Trước đó, dự luật Bảo vệ an ninh năng lượng châu Âu với nội dung trừng phạt các công ty liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2 đã được Mỹ đưa vào đạo luật Ủy quyền quốc phòng năm 2020 (NDAA) thông qua hồi tháng 12-2019. Các biện pháp trừng phạt gồm đóng băng tài sản và thu hồi thị thực nhắm vào các công ty hợp tác xây dựng đoạn đường ống dưới biển Baltic.
Tiếp nối các đòn trừng phạt đó, dự thảo ngân sách quốc phòng cho năm 2021 của Mỹ đưa ra các biện pháp mở rộng đối với các công ty tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán, cho thuê hoặc cung cấp các tàu xây dựng đường ống dẫn khí. Ngoài ra, các công ty bảo hiểm và tổ chức chứng nhận, công ty cung cấp dịch vụ hiện đại hóa hoặc lắp đặt thiết bị hàn trên các tàu tham gia dự án cũng bị trừng phạt. Tổng thống Mỹ có thể loại bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại một công ty cụ thể nếu điều đó liên quan đến lợi ích quốc gia.
Trước kế hoạch mới của Mỹ, Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu (EC) Peter Stano lên tiếng chỉ trích việc áp dụng các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ là vi phạm luật pháp quốc tế. Ủy ban này dự kiến sẽ sớm đưa ra một kế hoạch nhằm củng cố quyền kinh tế và tài chính của châu Âu, trong đó có đề xuất giúp giảm thiểu tác động tiềm tàng từ các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ của Mỹ với các nước thành viên và doanh nghiệp của khối. Trong khi đó, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định mạnh mẽ rằng Mátxcơva sẽ làm mọi cách để bảo vệ lợi ích trong việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Trên thực tế, biện pháp ngăn cản từ Washington đã tác động không nhỏ tới việc hoàn thành dự án mà cả châu Âu và Nga đều mong chờ này, mặc dù nguồn tài chính đã được cung cấp đầy đủ khi các nhà đầu tư đã đóng góp gần 100% số vốn cần thiết. Ban đầu, dự án dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2019 nhưng sau đó bị ngưng trệ do các đòn trừng phạt từ Mỹ. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu thế giới đưa ra những phản ứng quyết liệt, nhưng với những tác động to lớn từ Dòng chảy phương Bắc 2 trong việc giúp giao dịch mua bán khí đốt giữa EU và Nga ổn định hơn, các bên liên quan chắc chắn sẽ không dễ dàng nhượng bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.