(HNM) - Cuối tuần trước, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom thông báo đã hoàn thành việc xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), cho phép Nga tăng gấp đôi xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua biển Baltic. Mặc dù vậy, công trình có tính chất như một biểu tượng hợp tác đầy tham vọng giữa xứ sở Bạch Dương và Lục địa già vẫn cần vượt qua nhiều trở ngại để chính thức đi vào hoạt động.
Reuters dẫn thông báo ngày 10-9 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Năng lượng Gazprom, Alexey Miller: “Việc xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn tất vào lúc 8h45 sáng theo giờ Mátxcơva”. Trước đó, công ty điều hành dự án Nord Stream 2 AG cho biết đã hoàn thành việc đặt đường ống cuối cùng của dự án. Dự án này trị giá 11 tỷ USD được xây dựng song song với dự án Dòng chảy phương Bắc khánh thành năm 2011, vốn đã giúp vận chuyển 40 tỷ mét khối khí/năm từ Nga sang châu Âu.
Theo nhà điều hành dự án, đường ống mới có thể vận chuyển tới 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, đủ để cung cấp cho 26 triệu hộ gia đình. Mặc dù các cơ quan quản lý của Đức vẫn chưa khơi thông các dòng khí đốt, nhưng việc hoàn thành giai đoạn xây dựng đồng nghĩa với việc Nga đã tăng cường khả năng xuất khẩu năng lượng của mình sang châu Âu cả từ phía Bắc biển Baltic và từ biển Đen, nơi nước này vận hành đường ống TurkStream.
Gazprom bắt đầu xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.200km từ Nga đến Đức sau lễ ký kết với các tập đoàn châu Âu bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông tổ chức tại thành phố Vladivostok (Nga) hồi tháng 9-2015.
Tuy nhiên, tiến độ của dự án từng bị đình trệ vào cuối năm 2019 do Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump áp đặt các lệnh trừng phạt với lập luận đây là công cụ chính trị buộc Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Một số nước như Ukraine, Latvia, Litva và Ba Lan cũng bày tỏ lo ngại dự án sẽ gây tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị và đi ngược lại chính sách của châu Âu trong bảo đảm an ninh năng lượng. Sau thời gian dài tranh cãi, tháng 7 vừa qua, Đức và Mỹ đã đạt được thỏa thuận sơ bộ cho phép dự án Dòng chảy phương Bắc 2 được hoàn thiện trong nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh ở châu Âu.
Tuy nhiên, theo tờ tạp chí Wirtschaftswoche của Đức, vẫn có những lý do khác có thể ngăn cản sự vận hành của Dòng chảy phương Bắc 2. Đầu tiên là quy trình chứng nhận được thực hiện tại Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức (BNA) trực thuộc Bộ Kinh tế Đức (FRG). Trước khi chứng nhận, cơ quan này cần loại trừ khả năng đường ống dẫn khí đe dọa đến an ninh của nguồn cung cấp khí đốt cho Đức và châu Âu.
Trở ngại thứ hai là các quy định của EU, trong đó có chỉ thị về quản lý thị trường khí đốt được Nghị viện châu Âu thông qua tháng 4-2019, yêu cầu sự độc lập giữa công ty cung cấp và các công ty vận chuyển khí đốt. Để Dòng chảy phương Bắc 2 đáp ứng được yêu cầu này, Gazprom chỉ được chiếm 50% sản lượng của đường ống và phải nhường phần còn lại cho các nhà cung cấp thay thế, đồng thời công ty điều hành dự án Nord Stream 2 AG phải độc lập với Gazprom.
Theo Hãng tin RIA Novosti, BNA cảnh báo nhà điều hành Dòng chảy phương Bắc 2 có thể bị trừng phạt nếu đường ống được vận hành trước khi công ty này được chứng nhận là nhà vận hành độc lập.
Công ty điều hành dự án Nord Stream 2 AG đặt mục tiêu đưa dự án này đi vào hoạt động cuối năm nay. Trong chuyến thăm Ba Lan vào cuối tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhấn mạnh sự ủng hộ của mình đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đồng thời nhắc lại thỏa thuận giữa Đức và Mỹ như một sự bảo đảm cho việc vận hành dự án này phù hợp với các quy định và mục tiêu chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.