Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Điểm tựa cất cánh

Hà Vũ| 08/08/2022 06:12

LTS: Ngày 16-6-2022, cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ngay sau đó, Hà Nội, các bộ, ngành và các tỉnh liên quan đã bắt tay vào thực hiện. Chỉ trong chưa đầy 2 tháng, nhiều phần việc quan trọng đã được triển khai, khẳng định quyết tâm đưa đường Vành đai 4 sớm trở thành hiện thực, làm điểm tựa cất cánh cho Vùng Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội kiểm tra khu vực và hướng tuyến dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Sóc Sơn, ngày 28-7. Ảnh: Viết Thành

Bài 1: Đổi mới tư duy, quyết liệt hành động

Nối tiếp chuỗi hoạt động triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, ngày 5-8 vừa qua, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Nhiều nội dung quan trọng đã được thông qua với sự thống nhất rất cao. Có thể nói, chủ trương xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được hình thành từ tư duy đổi mới, nay đang được thực hiện bằng phong cách hành động quyết liệt của các địa phương, trước hết là Hà Nội - đầu mối tổ chức thực hiện dự án.

Tầm nhìn chiến lược

Nhằm phát huy tối đa vị trí, vai trò chiến lược quan trọng của Hà Nội, ngày 5-5-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết nhằm tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô... Nghị quyết nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện, trong đó Bộ Chính trị chỉ đạo: “Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch...”, “phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027”...

Chủ trương xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và phấn đấu xong trước năm 2027 thể hiện tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược với khát vọng tạo ra động lực mới cho Thủ đô phát triển xứng tầm. Đây cũng chính là đề xuất của Thành ủy Hà Nội, là tâm huyết của lãnh đạo thành phố...

Sự cần thiết, tính chất cấp bách của đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã thuyết phục các đại biểu Quốc hội. Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đã được thông qua với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối. Theo đó, dự án có quy mô 112,8km và sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Quốc hội giao việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Quốc hội cũng cho phép một số cơ chế đặc thù về nguồn vốn đầu tư, tổ chức thực hiện, chỉ định thầu và khai thác vật liệu cho dự án...

Những chủ trương, quyết sách của Bộ Chính trị, Quốc hội về Dự án đường Vành đai 4 cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Trung ương dành cho Vùng Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ chính trị, là sự tin tưởng mà Trung ương dành cho các địa phương liên quan, đặc biệt là Hà Nội với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đã chỉ rõ.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ góp phần giảm ùn tắc đường Vành đai 3, tăng khả năng kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Biến quyết tâm chính trị thành hành động

Còn nhớ, ngày 19-5-2022, chủ trì cuộc làm việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các cơ quan thành phố tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngay sau khi Quốc hội đồng ý về chủ trương, Hà Nội sẽ thực hiện ngay.

Đúng tinh thần và phong cách “nói là làm”, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban. UBND thành phố đã xây dựng dự thảo Báo cáo triển khai dự án. Ngày 27-6, Thường trực Thành ủy đã họp cho ý kiến về nội dung này; trong đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Các công việc triển khai thực hiện dự án hiện nay phải làm song hành, nói nôm na là “vừa chạy, vừa xếp hàng”; không có việc nào chờ việc nào và phải quyết tâm làm bằng được”.

Thực hiện chỉ đạo trên, UBND thành phố Hà Nội đã phân công nhiệm vụ, giao tiến độ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị như: Lập, phê duyệt chỉ giới đường đỏ toàn tuyến trên địa bàn thành phố hoàn thành trong tháng 8-2022; phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần trong tháng 12-2022; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần trong quý I-2023; bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng trong tháng 6-2023, bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 12-2023. UBND 7 quận, huyện: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín chịu trách nhiệm toàn diện trước Thành ủy, UBND thành phố về tiến độ giải phóng mặt bằng.

Hòa cùng khí thế khẩn trương này, ngày 2-8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, tỉnh đã triển khai các phần việc của mình, đặc biệt sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Còn Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn khẳng định, mặc dù nhiệm vụ giải phóng mặt bằng rất khó khăn, thời hạn chỉ có khoảng 16 tháng, nhưng tỉnh xác định đây là công trình có tính động lực, nên sẽ quyết tâm thực hiện đúng tiến độ.

Sáng 5-8, lãnh đạo 3 địa phương, gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đã thống nhất 5 nội dung quan trọng để triển khai dự án, nhất là về tiến độ giải phóng mặt bằng. Chiều cùng ngày, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã phối hợp với UBND 2 huyện Mê Linh, Sóc Sơn tổ chức công bố và bàn giao chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4, đoạn từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18, tỷ lệ 1/500...

Khí thế làm việc, quyết tâm chạy đua với thời gian để triển khai dự án đang tiếp tục được cụ thể hóa. Tất cả đang thể hiện đúng với tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng rằng, thành công của dự án chính là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đây còn là uy tín, danh dự của thành phố và của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Điểm tựa cất cánh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.