Kinh tế

Dự án đầu tư công kéo dài: Có nguyên nhân ngay từ khâu lựa chọn dự án

Bảo Hân 06/11/2023 - 13:11

Trả lời đại biểu về hiệu quả của các dự án đầu tư công chưa cao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng do nhiều nguyên nhân, có thể ngay từ khâu lựa chọn dự án.

bt-khdt-tra-loi-chat-van.jpeg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn sáng 6-11.

Quy trình, thủ tục các dự án ODA phức tạp

Sáng 6-11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) về tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh, đặc biệt, trong quản lý, sử dụng vốn ODA, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết rất quan trọng để giải quyết vấn đề này. Đó là Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 và Nghị quyết số 105/NQ-CP năm 2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

nguyen-quang-huan-binh-duong.jpeg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) nêu chất vấn tới Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Về các dự án ODA, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện tiến độ của các dự án chậm so với yêu cầu. Ngoài những nguyên nhân giống các dự án đầu tư công nói chung, các dự án ODA phải thực hiện theo rất nhiều quy định khác nhau, như các quy định trong nước về đầu tư công, các quy định của nhà tài trợ nước ngoài, các quy trình thủ tục đàm phán các hiệp định vay, thỏa thuận vay…

Các dự án sau khi hoàn tất thủ tục mà có sự điều chỉnh thì phải thực hiện lại quy trình cả trong nước và điều chỉnh các hiệp định. Do đó, các dự án này mất nhiều thời gian thực hiện. Bộ trưởng cho rằng, cần nghiên cứu một cách căn cơ hơn nữa để hài hòa thủ tục trong nước và nước ngoài, vừa bảo đảm chặt chẽ, vừa rút ngắn được thời gian.

Trình Quốc hội cho phép dự án dưới 15 tỷ đồng được dùng nguồn chi thường xuyên

db-tran-chi-cuong.jpeg
Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng).

Đặt vấn đề về việc sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy, đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) cho biết, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật chuyên ngành có những quy định này. Tuy vậy, tại Luật Đầu tư công, có nội dung quy định về tính chất của dự án đầu tư công dẫn tới cách hiểu rằng, toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản… đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công, dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật chuyên ngành khác.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các quy định về chi thường xuyên có trong cả Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản… hiện vẫn được triển khai bình thường, không có vướng mắc. Các dự án đầu tư mới thì phải được thực hiện theo quy trình quy định trong Luật Đầu tư công.

“Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội cho phép các dự án đầu tư dưới 15 tỷ đồng có thể thực hiện từ nguồn chi thường xuyên. Vấn đề này sẽ được Quốc hội quyết định”, Bộ trưởng nêu.

bt-nguyen-chi-dung.jpeg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Về thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng do nhiều nguyên nhân. “Thứ nhất, từ khâu lựa chọn dự án chưa thật sự chính xác. Có cái cần làm trước thì lại không làm, có cái chưa cần làm thì chúng ta lại làm. Thứ hai, về quy mô của dự án, có cái thì chúng ta cần phải làm quy mô hiện đại ngay thì chúng ta lại phân kỳ ra và chúng ta lại làm ở cấp thấp, sau đó lại mở rộng, nâng cấp rồi bổ sung và dẫn đến kinh phí phải bổ sung rất lớn”, Bộ trưởng nêu.

Tiếp đó, trong chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt, tính toán tốt sẽ giúp quá trình triển khai nhanh hơn và không làm tăng chi phí. Ngoài ra, công tác thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện cũng là các lý do khiến các dự án đầu tư công kéo dài, gây giảm hiệu quả.

ctqh.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong điều hành phiên chất vấn đã trực tiếp giải đáp thêm nhiều thông tin đại biểu quan tâm.

Về nội dung này, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong điều hành phiên chất vấn đã nêu thêm, Quốc hội đã có văn bản trả lời Chính phủ là trong thực tiễn cũng như trong quy định pháp luật, không có văn bản nào hay trường hợp nào quy định mức chi thường xuyên và chi đầu tư căn cứ vào giá trị số tiền.

“Không phải 15 tỷ đồng trở lên thì là đầu tư công, dưới 15 tỷ đồng là chi thường xuyên. Chúng ta chi lương, chi cho giáo dục hàng trăm nghìn tỷ đồng, vẫn đều là chi thường xuyên cả. Việc này phụ thuộc vào tính chất của các khoản chi, chứ không phải giá trị của các khoản chi”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án đầu tư công kéo dài: Có nguyên nhân ngay từ khâu lựa chọn dự án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.