(HNM) - Hiện tượng đốt rác gây ô nhiễm môi trường đang trở nên phổ biến ở khu vực ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là tại các làng nghề tái chế phế liệu, sản xuất giày da, chăn ga, gối đệm…
Đốt rác thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa). |
Bức xúc vì ô nhiễm
Ông Phạm Công Nam, trú tại thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong (Thường Tín) cho biết: “Trước kia họ chỉ đốt trộm về đêm, nhưng nay họ đốt cả ban ngày. Tất cả các hộ sinh sống gần điểm trung chuyển, tập kết rác phải đóng cửa suốt cả ngày lẫn đêm vì mùi khét không thể chịu nổi”. Còn theo chị Nguyễn Thị Hồng, trú tại thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa): “Do thường xuyên phải sống và sinh hoạt trong bầu không khí bị ô nhiễm nên nhiều người dân trong làng, nhất là người già, trẻ nhỏ thường hay ho, viêm xoang, viêm phế quản...”.
Bức xúc vì ô nhiễm môi trường, ngày 8-1 vừa qua, hàng trăm người dân ở thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) đã đề nghị xã Quảng Phú Cầu và huyện Ứng Hòa đóng cửa điểm tập kết rác thải sinh hoạt thôn Xà Cầu; đưa ra các biện pháp xử lý triệt để. Tương tự, tại thôn Thượng Cung và thôn Định Quán, xã Tiền Phong (Thường Tín) hàng chục người dân đồng loạt ký đơn đề nghị các cấp, các ngành của thành phố sớm vào cuộc xử lý vấn nạn đốt rác thải làng nghề sản xuất chăn ga, gối đệm… Hàng nghìn hộ dân khác ở các xã Phú Yên (Phú Xuyên), Hạ Bằng (Thạch Thất), Đông Phương Yên (Chương Mỹ)… bức xúc đề nghị chính quyền các cấp có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng đốt rác thải gây ô nhiễm môi trường.
Loay hoay xử lý
Khắc phục tình trạng đổ, đốt trộm rác gây ô nhiễm môi trường, các địa phương đều huy động nhân công bơm nước dập lửa mỗi khi nhận được thông tin bãi rác bị đốt. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Còn giải pháp lâu dài thì các địa phương đều lúng túng.
Theo UBND huyện Ứng Hòa, năm 2015, huyện đã lắp đặt lò đốt rác thải làng nghề với công suất 5 tấn/ngày đêm tại bãi chôn lấp rác thải Vân Đình. Tuy nhiên, trong quá trình đốt thử nghiệm, lò đốt rác chưa bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng môi trường nên dự án không được thực hiện. Sau khi các doanh nghiệp môi trường từ chối thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, làng nghề Xà Cầu, huyện Ứng Hòa đã giới thiệu đơn vị có chức năng xử lý rác thải công nghiệp làm việc với người dân. Tuy nhiên giá thành xử lý rác làng nghề doanh nghiệp đưa ra là 4.000 đồng/kg nên người dân không chấp thuận. UBND xã Quảng Phú Cầu đã tổ chức 4 hội nghị với các hộ thu gom, tái chế phế liệu để tuyên truyền vận động nhân dân: Hạn chế thu mua những mặt hàng có nhiều thành phần không thể tái chế; không đổ, đốt trộm rác bừa bãi, tạm thời đóng rác vào bao tải lưu tại gia đình; thực hiện đóng phí thu gom, xử lý rác thải làng nghề… Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không thể giải quyết triệt để. Tương tự, các huyện Phú Xuyên, Thường Tín… đã quy hoạch khu đất để làm nơi chứa, xử lý rác thải làng nghề nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí để triển khai dự án…
Để hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn từ việc đổ, đốt rác bừa bãi, các địa phương cần tổ chức tuyên truyền đến người làm nghề chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; yêu cầu các hộ gia đình phải đăng ký và thực hiện thủ tục pháp lý trong lĩnh vực môi trường; tổ chức phân loại, lưu giữ, xử lý rác thải công nghiệp, rác thải phát sinh từ hoạt động tái chế phế liệu… Các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác nắm bắt tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan cần xem xét đề nghị của các địa phương trong việc quy hoạch, mở rộng điểm công nghiệp làng nghề tạo thuận lợi cho địa phương trong việc di dời các hộ dân hoạt động sản xuất ngành nghề gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư… Đồng bộ các giải pháp trên, môi trường làng nghề Hà Nội mới dần được cải thiện, khắc phục tình trạng đổ, đốt trộm rác...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.