78 năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công và ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử (2-9-1945), Hà Nội linh thiêng và hào hoa hôm nay khoác lên mình diện mạo tươi mới, tràn đầy sức sống. Tiếp nối lịch sử hào hùng, Thủ đô đang tạo bước đột phá về kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm; hiện thực hóa các chủ trương, dự án lớn với khát vọng phát triển lên tầm cao mới.
Khơi thông nguồn lực, tạo sức sống mới
Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến mảnh đất nghìn năm văn hiến, anh hùng với kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, quý giá, tiêu biểu của văn minh sông Hồng, hòa quyện của xứ Đông, xứ Đoài. Thành phố có 5.922 di tích văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và có hơn 1.300 làng có nghề (chiếm khoảng 1/3 số làng nghề cả nước)...
Làm sao để khơi dậy nguồn lực to lớn đó, tạo thành động lực mới phát triển kinh tế - xã hội, đem lại sinh kế, nâng cao đời sống người dân là điều mà lãnh đạo thành phố luôn trăn trở. Quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó xác định phát triển văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; đặc biệt là kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo đối với lĩnh vực văn hóa, đồng thời với hai lĩnh vực thiết yếu khác là y tế và giáo dục. Nguồn lực được xác định ở cấp thành phố và cấp huyện đến nay đã lên tới hơn 90.000 tỷ đồng cho 3 lĩnh vực này.
Đây thực sự là “ý Đảng, lòng dân”, nên khắp nơi bà con nhân dân đều phấn khởi ủng hộ. Sau hơn một năm thực hiện, 1.000 công trình ở 3 lĩnh vực đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới, trong đó có khoảng 400 công trình văn hóa. Bước tiếp theo thành phố sẽ làm là kết nối các di tích với dịch vụ, du lịch. Khi ấy, chủ trương quan trọng này sẽ tạo ra thêm công ăn việc làm, gia tăng nguồn thu cho địa phương. Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang được triển khai cũng chính là con đường kết nối, con đường động lực, mở thông không gian, nguồn lực văn hóa theo hướng này.
Bên cạnh đó, việc Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo tiền đề rất quan trọng để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa. Chỉ trong vòng hơn một năm qua, Hà Nội đã tổ chức hơn 600 sự kiện, hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn, kéo theo những kết quả tích cực về thương mại, dịch vụ. Vì vậy, dù lĩnh vực công nghiệp xây dựng trầm lắng và vừa ra khỏi đại dịch Covid-19, kinh tế Thủ đô vẫn tăng trưởng 8,89% năm 2022 và tăng gần 6% trong 6 tháng đầu năm 2023; đều cao hơn bình quân chung cả nước. Đến nay, tỷ trọng dịch vụ đã chiếm trên 65% trong cơ cấu kinh tế, hoàn thành sớm chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố. Quy mô nền kinh tế Thủ đô năm 2022 đã vươn lên tầm cao mới, đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 50 tỷ USD (cả nước khoảng 400 tỷ USD).
Nguồn lực văn hóa được khơi thông đang đem lại sức sống mới cho Hà Nội.
Cởi “nút thắt” cơ chế và quy hoạch
Những ngày này, Hà Nội đang quyết tâm hoàn thành các hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10-2023 với 3 nội dung quan trọng, gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Đây là 3 nội dung có quan hệ mật thiết với nhau, khi ban hành sẽ đồng thời cởi “nút thắt” về cơ chế và quy hoạch cho Hà Nội - hai trở lực chủ yếu trên con đường phát triển hiện nay. Trọng tâm trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là kiến nghị trung ương giao quyền, tạo điều kiện chủ động cho Hà Nội. Cụ thể là giao quyền cho Thủ đô quyết định đầu tư công các dự án theo hình thức công - tư (PPP), đầu tư các dự án cầu quy mô lớn như các cầu qua sông tại Hà Nội (cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên) thuộc nhóm dự án trọng điểm quốc gia hay các cầu liên tỉnh thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương như cầu Ngọc Hồi, cầu Vân Phúc...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Nếu chờ các bước theo quy trình thủ tục trình Quốc hội thì sẽ rất lâu; mà nếu giao cho Hà Nội thì chắc chắn thành phố làm được”.
Đối với điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố phía Bắc sông Hồng (khu vực Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), thành phố phía Tây Hà Nội (khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai).
Đầu tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về việc chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về cho Hà Nội quản lý. Cùng với các trường đại học đã hình thành ở khu vực Hòa Lạc, đây là tiền đề quan trọng tiến tới việc tạo lập thành phố phía Tây Hà Nội, định hướng trở thành thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Trong khi đó, với sân bay Nội Bài làm trung tâm, cùng với quá trình đang phát triển lên quận của huyện Đông Anh, thành phố phía Bắc sông Hồng (khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) có đủ điều kiện để sớm hình thành như định hướng chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế.
Điều làm nên bản sắc đô thị Hà Nội tương lai là 5 trục phát triển được xác định trong các quy hoạch trên. Nổi bật là lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm. Từ đây, Hà Nội sẽ phát triển đô thị theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng như hiện nay. Cùng với đó, thành phố sẽ tập trung đầu tư để khép kín hệ thống 7 tuyến đường vành đai: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống tạo điểm nhấn kiến trúc gắn với quy hoạch các công trình hiện đại hai bên bờ sông; giải quyết các vấn đề như cải tạo chung cư cũ, cải tạo sông, hồ ô nhiễm; thiết kế đô thị, tổ chức quản lý vỉa hè, lòng đường...
Đột phá về kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm
Trước những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra ngày càng lớn, nhằm khắc phục hạn chế tồn tại, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU (ngày 7-8-2023) về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội. Đây là giải pháp đột phá, là nguồn động lực mới nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy tổ chức Đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; khơi dậy ý chí, khát vọng và tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... Nói cách khác, đây chính là điểm mấu chốt tạo sức sống mới cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; là cơ sở để Hà Nội tiếp tục cất cánh.
Thành phố đồng thời kiên trì thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo” gắn với tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đánh giá phân loại tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, làm căn cứ để thực hiện các khâu của công tác cán bộ; bảo đảm sắp xếp, bố trí đúng người, đúng việc, phát huy năng lực, sở trường của từng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu...
Cùng với tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, Hà Nội đang chỉ đạo tập trung sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế các sở, ngành. Trên cơ sở thí điểm thành công với Văn phòng UBND thành phố, tới đây sẽ thực hiện ở 10 sở chuyên môn có nhiều công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố đã chỉ đạo khảo sát và có báo cáo cụ thể về thực tế tại 10 sở, sắp tới sẽ bàn bạc kỹ để đưa ra những giải pháp, bước đi cụ thể. Đây là việc khó khăn, nhạy cảm được thành phố xác định phải làm chặt chẽ, đúng pháp luật, nhưng cũng phải rất quyết tâm, quyết liệt.
Với những chủ trương lớn đã, đang thực hiện, Hà Nội của tương lai sẽ ngày càng xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của cả nước; thực sự là Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ (ngày 5-5-2022) của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra. Vóc dáng Thủ đô chắc chắn xứng đáng với niềm mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.