Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đột phá từ mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô

Bảo Hân| 27/05/2022 11:45

(HNMO) - Định hướng phát triển mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc và phía Tây của Hà Nội được nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mô hình này cũng được thành phố định hình rõ trong xây dựng phát triển đô thị giai đoạn tới, song theo các chuyên gia, để hình thành được phải có cách làm đột phá.

Động lực đổi mới chính quyền đô thị

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ định hướng, Hà Nội cần nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống…

Riêng với mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô, trước đó, thành phố đã đưa ra cùng với quá trình rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, hiện có rất nhiều yếu tố được xem là động lực để thành lập thành phố ở khu vực phía Bắc và phía Tây Thủ đô. Mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô được xem là giải pháp tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong việc kêu gọi đầu tư phát triển nhờ tính độc lập tương đối. Ngoài ra, đây được coi là bước trung gian để giảm áp lực đầu tư và nâng cấp đô thị trung tâm thành đô thị đặc biệt.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đánh giá, thực tế cho thấy, mô hình tổ chức quận cho các khu vực phát triển đô thị ổn định và mô hình tổ chức huyện ở khu vực nông thôn không phù hợp với các khu vực đô thị hóa. Những nơi này cần có bộ máy chính quyền và mô hình tổ chức linh hoạt, phù hợp với yêu cầu phát triển “nóng”. Mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô sẽ được nghiên cứu, đề xuất cụ thể trong giai đoạn lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô với các giải pháp cụ thể về phạm vi, quy mô áp dụng, mô hình tổ chức không gian, bộ máy quản lý, lộ trình phát triển, gắn với điều chỉnh về thể chế quản lý phát triển của từng giai đoạn.

Nghiên cứu kỹ về quy hoạch, cơ chế vận hành

Nhiều chuyên gia cho rằng, mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô sẽ tạo thêm cho thành phố Hà Nội những cực tăng trưởng. Tuy vậy, Hà Nội cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng về quy hoạch đô thị cũng như cơ chế đặc thù để vận hành mô hình này hiệu quả.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đã xác định 2 thành phố tại khu vực phía Bắc và phía Tây trực thuộc Thủ đô Hà Nội, thể hiện sự đột phá về phát triển đô thị. Đây là mô hình chính quyền đô thị đổi mới, thích hợp trong phân công, phân cấp quản lý.

Từ kinh nghiệm thí điểm thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh hơn một năm qua, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội cần có mô hình chính quyền thích hợp, đủ năng lực quản lý. Các khu vực thành phố hình thành trong tương lai có vị thế liên kết chặt chẽ với Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng. Do đó, phải nâng tầm vai trò để các thành phố này không chỉ là của Thủ đô, mà còn là đầu mối liên kết với các vùng. Ngoài ra, thu nhập, chất lượng sống của người dân phải được nâng cao, như các tiêu chí về đô thị thông minh, thân thiện với người dân; cần có chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các thành phố mới. 

Lưu ý ở góc độ quy hoạch đô thị, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, cấu trúc đô thị Hà Nội là chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái; được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm. Đây là mô hình được tính toán chặt chẽ và phù hợp với yêu cầu phát triển của Hà Nội. Thành phố cần rà soát để có lộ trình xây dựng các đô thị vệ tinh, hình thành thành phố mới. Đặc biệt, cần khẩn trương đầu tư phát triển tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao - Hòa Lạc để đô thị vệ tinh Hòa Lạc sớm hình thành và trở thành thành phố mới của Hà Nội, vì ở đây đã có Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đại lộ Thăng Long kết nối với khu vực nội thành. 

Từ những động lực hiện có, mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc và phía Tây dần được định hình là định hướng đúng đắn, phù hợp trong xây dựng phát triển đô thị Hà Nội giai đoạn tới. Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình này cần sự thận trọng trong nghiên cứu và phải chọn bước đi thích hợp cũng như những đột phá mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đột phá từ mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.