Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đột phá cho nhà ở xã hội

Dạ Khánh| 24/03/2022 06:06

(HNM) - Nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp chiếm đến 70-80% nhu cầu của người dân. Song, việc phát triển loại hình nhà ở này thời gian qua còn nhiều hạn chế, cung không theo kịp cầu. Để hóa giải vấn đề này, năm 2022, Bộ Xây dựng xác định đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là một trong ba khâu đột phá của ngành Xây dựng. Trên cơ sở đó, Bộ đã và đang tập trung đôn đốc, hỗ trợ triển khai các dự án nhà ở xã hội...

Đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô 142.000 căn hộ, tổng diện tích hơn 7,1 triệu mét vuông sàn. Trong ảnh: Khu nhà ở xã hội kết hợp thương mại THT New City (huyện Hoài Đức). Ảnh: Nguyễn Quang

Lượng cung hạn chế

Bộ Xây dựng cho biết, đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô 142.000 căn hộ, tổng diện tích hơn 7,1 triệu mét vuông sàn, đạt 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (năm 2011). Riêng năm 2021, đã có 17 dự án hoàn thành, với 27.800 căn hộ, gần 1,4 triệu mét vuông sàn. Việc phát triển nhà ở xã hội nhìn chung vẫn chậm, hiệu quả chưa cao, do một số vướng mắc cả về thể chế chính sách và tổ chức thực hiện.

Tại Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, đã có 25 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, tương đương 12.659 căn hộ, khoảng 1,25 triệu mét vuông sàn (đạt 26,24% so với kế hoạch). Năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các dự án nhà ở xã hội vẫn được triển khai nhưng tiến độ bị ảnh hưởng. Chỉ có 2 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng, tương ứng 1.234 căn hộ.

Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, nhu cầu nhà ở trong xã hội rất lớn, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp, chiếm tới 70-80%, song lượng cung lại hạn chế. Để thúc đẩy nguồn cung, rất cần khơi thông cả về cơ chế, vốn và quỹ đất.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, các đợt bùng phát dịch Covid-19 cho thấy, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là khu vực chịu tác động lớn nhất do tập trung đông người dẫn tới khó khăn trong việc bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, từ đó khó ổn định đời sống, việc làm. Do vậy, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất. Đây cũng là một trong ba khâu đột phá được ngành Xây dựng xác định tập trung thực hiện trong năm 2022.

Khu nhà ở xã hội Hope Residences Phúc Đồng (quận Long Biên). Ảnh: Trọng Hiếu

Đẩy mạnh hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông tin, bên cạnh tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập, Bộ đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, trong đó kiến nghị điều chỉnh các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội; bổ sung trách nhiệm cụ thể của các địa phương trong việc quy hoạch, giải phóng mặt bằng, bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội... Bộ Xây dựng cũng sẽ chủ động đôn đốc, kiểm tra việc phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương trong thời gian tới.

Ngày 15-2, Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ công tác triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tại nghị quyết này, Chính phủ đã chỉ đạo rõ, cần khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch và quỹ đất liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Từ ngày 22-2 đến nay, Bộ đã làm việc với một số tỉnh, thành phố trọng điểm như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bắc Ninh... để đôn đốc, hướng dẫn việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; triển khai gói tín dụng hỗ trợ về nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023... “Về chuyên môn, Bộ hướng dẫn tối ưu hóa phương án thiết kế, không gian diện tích, kỹ thuật kết cấu để giảm giá thành…”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ.

Về phía Hà Nội, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành thông tin, thành phố đang rà soát việc lập, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết và triển khai đầu tư xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc, trên cơ sở đó lựa chọn chủ đầu tư. Ngoài ra, thành phố rà soát 68 ô đất thuộc các quỹ đất 20%, 25% tại những dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, đề xuất phương án sử dụng xây dựng nhà ở xã hội. Việc phát triển nhà ở phục vụ công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp cũng được khuyến khích theo hình thức xã hội hóa hoặc triển khai đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, vay Quỹ đầu tư phát triển thành phố hoặc sử dụng nguồn tiền đã thu được từ quỹ đất 20%, 25% của các dự án nhà ở thương mại.

Tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố nhằm thúc đẩy phát triển đô thị nói chung, các dự án nhà ở xã hội nói riêng bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và lâu dài, đáp ứng nhu cầu đô thị hóa ngày càng cao của Hà Nội, góp phần nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đột phá cho nhà ở xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.