Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đợt mưa lớn trên diện rộng sẽ chấm dứt vào ngày 7-8

Kim Văn - Thu Trang - Tuấn Lương| 06/08/2017 06:13

(HNM) - Ngày 5-8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, trong 4 ngày mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 18 người chết, 18 người mất tích.


Bên cạnh đó, 354ha lúa, hoa màu bị cuốn trôi, vùi lấp, giảm năng suất... Tổng thiệt hại về tài sản ước tính hơn 720 tỷ đồng. Các địa phương tiếp tục huy động lực lượng tập trung tìm kiếm người mất tích, giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ…

Do những ngày qua có mưa nên hiện nay, mực nước của 3 hồ chứa thủy điện lớn trên hệ thống sông Hồng đều vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, sáng 5-8, mực nước hồ Hòa Bình cao hơn mức cho phép 8,36m; hồ Sơn La là 4,73m; hồ Tuyên Quang là 2,32m. Trên sông Hồng, mực nước tại Hà Nội đang ở mức thấp, dự báo đến 7h ngày 6-8 có khả năng xuống mức 3,25m (thấp hơn báo động 1 là 6,25m).

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, tổng lượng mưa từ 13h ngày 5-8 đến 19h ngày 6-8: Các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình là 40-80mm, có nơi trên 100mm; các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang là 30-60mm; các nơi khác ở Bắc Bộ là 10-30mm. Trong đêm 6-8, ở các tỉnh phía Tây Bắc Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Từ ngày 7-8, đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ sẽ chấm dứt hoàn toàn.

Chiều 5-8, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu Đoàn công tác gồm lãnh đạo các đơn vị: Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia; Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; Quỹ Bảo vệ môi trường... khảo sát đánh giá tình hình thiên tai cũng như hỗ trợ nhân dân vùng lũ Yên Bái.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu sớm nghiên cứu, đánh giá, rà soát nguyên nhân và đề xuất các giải pháp đồng bộ để chủ động phòng tránh những nguy cơ lũ ống, lũ quét; giao Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ để kịp thời thông tin cho Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, UBND tỉnh Yên Bái, các sở ngành địa phương trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái tham mưu cho UBND tỉnh có những phương án khắc phục môi trường, nguồn nước để đảm bảo vệ sinh, tránh tình trạng phát sinh dịch bệnh sau lũ; khẩn trương có giải pháp tái định cư cho đồng bào có nhà ở bị sạt lở; đồng thời rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét để có kế hoạch di dời bố trí tái định cư đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân bị thiệt hại do lũ ống vừa qua tại Mù Cang Chải, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trao cho tỉnh Yên Bái 600 triệu đồng từ Quỹ Bảo vệ môi trường để giúp tỉnh khắc phục hậu quả sau lũ ống; trao 200 triệu đồng từ nguồn quyên góp ủng hộ của cán bộ, viên chức, người lao động Bộ Tài nguyên và Môi trường; trao 200 bộ giường tầng cho Trường Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải.

* Liên quan đến công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, Bộ Y tế vừa có Công điện số 862/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu về việc triển khai công tác y tế ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh nêu trên chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tập trung cùng các cấp, ban, ngành tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ bị thiếu đói, tuyệt đối không để người dân bị thiếu thuốc khi ốm đau.

Sở Y tế các địa phương cần củng cố lại những cơ sở y tế bị ảnh hưởng do mưa lũ, bảo đảm cơ sở vật chất để nhanh chóng phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng ảnh hưởng. Mặt khác, chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi mưa lũ đã rút, đề phòng các dịch bệnh như: Sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ… có thể phát sinh.

* Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ đầu năm 2017 đến nay, bão lũ đã làm sạt lở ta luy dương 853.028m3, lấp tắc rãnh dọc, hố thu, lòng cống 112.864m3, sạt lở ta luy âm dài 4.989m, hư hỏng mặt đường 122.317m2 và mặt đường bị ngập nước là 82 điểm. Kinh phí khắc phục bảo đảm giao thông tính đến ngày 31-7 vào khoảng 243,8 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các đơn vị đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, bố trí lực lượng, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” trên các tuyến đường trọng điểm, nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm giao thông, khắc phục hậu quả do bão lũ kịp thời, thông tuyến trong thời gian nhanh nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đợt mưa lớn trên diện rộng sẽ chấm dứt vào ngày 7-8

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.