(HNM) - Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đồng tình với chủ trương chung về quản lý phương tiện giao thông trên địa bàn của thành phố Hà Nội, nhưng vẫn còn không ít băn khoăn...
Dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng.
Phương tiện cá nhân tăng nhanh là nguyên nhân chủ yếu gây ùn tắc giao thông tại đô thị. Ảnh: Tuấn Anh |
Hạ tầng quá tải
Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến 2030”, tốc độ tăng trưởng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân (giai đoạn 2011-2016 tăng trưởng về chiều dài đường bộ là 3,85%/năm, về diện tích đất dành cho giao thông là 0,25%/năm). Trong khi đó, thành phố hiện có khoảng 5,25 triệu xe máy, gần 486 nghìn ô tô, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông... Với số lượng phương tiện trên, nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% số ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị với vận tốc 20km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống giao thông đường bộ, trong khu vực trung tâm là 3,72 lần…
Do vậy, UBND thành phố trình HĐND thành phố Đề án này nhằm tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Quan điểm thực hiện là xây dựng hệ thống giao thông vận tải hoàn thiện đáp ứng các tiêu chí: Bền vững, đồng bộ, hiện đại trên cơ sở định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Các giải pháp phải phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm khoa học và thực tế, phục vụ lợi ích đa số người dân.
Theo đó, UBND thành phố đưa ra 6 nhóm giải pháp gồm: Quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông; quản lý chất lượng phương tiện tham gia giao thông; quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông; nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; tăng cường quản lý nhà nước về giao thông vận tải. Đáng chú ý, UBND thành phố đề xuất lộ trình hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động vào năm 2030 tại các quận; cấp hạn ngạch taxi phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông, tổ chức đấu giá quyền khai thác kinh doanh đối với xe taxi và các loại hình hoạt động tương tự; quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường đối với các loại xe cơ giới; cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố…
Giảm xe máy nhưng không nên cấm
11 ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội nghị đều thống nhất cao với nội dung tờ trình của UBND thành phố và dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án. Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Trần Danh Lợi cho rằng: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông đô thị là chìa khóa vàng của cuộc cách mạng chống ùn tắc giao thông của các đô thị Việt Nam. Đề án nhất thiết phải đề cao việc áp dụng công nghệ thông tin, vì thế thành phố nên mời những nhà khoa học có chuyên môn để tư vấn về lĩnh vực này một cách thấu đáo và có tầm nhìn xa.
Song, bên cạnh đó vẫn còn nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn với mục tiêu mà Nghị quyết đề ra là dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. Theo GS.TS Bùi Xuân Cậy, Trường Đại học Giao thông vận tải, nhiều quận nội thành có ngõ rộng chừng 1,5 - 2m, xe buýt không thể vào được. Vì thế, nên phấn đấu đến năm 2030 giảm được khoảng 50% số lượng xe máy lưu thông trên đường ở các quận nội thành là hợp lý.
PGS.TS Trần Đức Nhiệm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đô thị Hà Nội nêu ý kiến: Đề án đang tính đến việc tăng số lượng xe công cộng, trong khi thực tế xe buýt ở Hà Nội mới đáp ứng gần 10% nhu cầu đi lại của người dân. Vì vậy, nên tính toán lại là giảm xe máy đến mức nào đó, không nên cấm. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn thẳng thắn: “Nghị quyết thiên về hạn chế và cấm nhưng lại chưa mở được hướng đi mới thì việc cấm chưa chắc mang lại hiệu quả. Nên chăng, phương tiện vận tải công cộng phát triển đến đâu thì quản lý phương tiện cá nhân đến đó”.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, nhóm giải pháp đầu tiên mà Đề án cần tính đến là phân bố dân cư lại cho hợp lý bởi thực tế thành phố có nhiều tuyến đường luôn tắc nghẽn vào giờ cao điểm nhưng cũng có nhiều tuyến đường rộng thênh thang không có mấy người đi. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn đề xuất, thành phố cần nghiên cứu xây dựng các trạm xe đạp miễn phí trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng khẳng định, Đề án hướng đến cuộc sống chất lượng và bền vững của người dân Thủ đô. Vì vậy, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố sẽ phải làm đồng bộ các giải pháp để thực hiện. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, các ý kiến đóng góp sẽ được cơ quan chức năng nghiên cứu nghiêm túc để khi Đề án được thông qua sẽ giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn một cách tối ưu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.