Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Đồng tiền yếu" châm ngòi "va chạm mạnh"

Đình Hiệp| 19/03/2010 06:51

(HNM) - "Cuộc chiến" tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ (NDT) với đồng đôla (USD) giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục leo thang khi các Thượng nghị sĩ (TNS) Mỹ vừa công bố một dự luật áp đặt các "hình phạt ngặt nghèo" nếu Trung Quốc không định giá lại đồng NDT.

Cho dù phải đến ngày 15-4 tới Bộ Tài chính Mỹ mới đưa ra báo cáo xác định liệu Trung Quốc có thao túng đồng nội tệ để giành lợi thế thương mại hay không, nhưng ngay lập tức, dự luật từ Đồi Capitôn đã thổi bùng cuộc tranh cãi lớn vốn âm ỉ cháy từ lâu trong quan hệ Trung - Mỹ.

Tỷ giá đồng NDT đang châm ngòi cho những căng thẳng mới trong quan hệ Trung - Mỹ.

Đây không phải lần đầu tiên tỷ giá đồng NDT - một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng - ảnh hưởng đến tỷ giá đồng bạc màu xanh gây tranh cãi. Tác giả của dự luật là TNS Chắc Sămmơ của đảng Dân chủ và TNS Linxây Graham của đảng Cộng hòa, hai nhân vật từng soạn thảo một dự luật tương tự vào năm 2005 để áp mức thuế 27,5% với tất cả các mặt hàng của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Song dự luật khi đó đã phải hủy bỏ vì ngay sau khi nó được thông qua, Trung Quốc đã kịp thời điều chỉnh tỷ giá đồng NDT.

Khác với dự luật năm 2005, chỉ nhận được sự ủng hộ của 67 thành viên Thượng viện Mỹ, dự luật lần này đã nhận được sự ủng hộ ít nhất của 130 nghị sĩ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Lý do chủ yếu để nhiều nghị sĩ Mỹ tán đồng dự luật là do áp lực cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (tháng 11-2010) đang đến gần với trọng tâm tạo việc làm và cân bằng thương mại hiện được cả nước Mỹ quan tâm. Theo Bộ Tài chính Mỹ, từ tháng 2-2009 đến nay, đồng NDT đã sụt giá tới 6,9% so với đồng USD. Điều này khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ một cách giả tạo khi quy ra các tiền tệ khác và Mỹ phải chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Oasinhtơn cho rằng, việc Trung Quốc thực hiện chính sách "đồng tiền yếu", thấp hơn giá trị thực từ 25% đến 40% đã gây thiệt hại lớn cho xuất khẩu của Mỹ; đồng thời là nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng trong nền kinh tế thế giới.

Đương nhiên Trung Quốc không đồng tình với lập luận trên. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Trung Quốc khẳng định, đồng NDT không phải là căn nguyên ảnh hưởng đến những khoản thặng dư thương mại khổng lồ giữa hai nước thời gian qua; đồng thời cam kết duy trì ổn định giá trị đồng NDT để thúc đẩy xuất khẩu. Nhiều chuyên gia kinh tế Trung Quốc chung quan điểm trên khi cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá của đồng nội tệ phải dựa vào các điều kiện kinh tế trong nước, chứ không phải là các sức ép của thị trường bên ngoài. Điều này dường như có cơ sở, khi con số thâm hụt thương mại hằng năm của Mỹ với Trung Quốc đã giảm xuống 226,8 tỷ USD trong năm 2009, từ mức kỷ lục 268 tỷ USD năm 2008.

Căng thẳng leo thang trong quan hệ Trung - Mỹ về tỷ giá diễn ra trong bối cảnh cuộc khẩu chiến giữa hai nước thời gian qua chưa lắng dịu sau thương vụ vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD của Mỹ bán cho Đài Loan (Trung Quốc). Trong bối cảnh Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Nhật Bản trong ít năm tới để chiếm ngôi vị nền kinh tế số 2 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, căng thẳng về tỷ giá đồng tiền của hai nền kinh tế mạnh nếu tiếp diễn sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu bị tác động, đặc biệt những nước phụ thuộc vào hai thị trường nhập khẩu lớn này.

Vì thế, vừa lên tiếng bảo vệ Trung Quốc trước sức ép của phương Tây đòi nâng giá đồng NDT, Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNTACD) mới đây còn khẳng định, việc thả nổi tiền tệ cho các chính sách kiểm soát thị trường bất hợp lý sẽ không giúp cân bằng được nền kinh tế thế giới. Và rằng, nếu Trung Quốc đi theo hướng này - như mong muốn của Mỹ - sẽ tạo nguy cơ về một cú sốc kinh tế như đã từng xảy ra tại Nhật Bản hồi những năm 1990 của thế kỷ trước. Hệ quả tiếp theo sẽ là toàn bộ nền kinh tế thế giới lâm vào bất ổn.

Những gì đang diễn ra cho thấy, cuộc "va chạm" tỷ giá khổng lồ vừa bùng nổ giữa Trung Quốc và Mỹ chưa thể sớm chấm dứt. Tuy nhiên, do quan hệ ràng buộc quá lớn về lợi ích kinh tế, tài chính và thương mại... "cuộc chiến" tỷ giá Trung - Mỹ chưa thể leo thang ngay đến mức đối đầu. Nhiều chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng, dự luật của Đồi Capitôn vừa đưa ra chỉ có thể làm gia tăng căng thẳng quan hệ thương mại giữa hai cường quốc hàng hóa, song nó chẳng thể khiến làn sóng "Made in China" đang dội vào nước Mỹ suy giảm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Đồng tiền yếu" châm ngòi "va chạm mạnh"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.