(HNM) - Ngày 20-5, Quốc hội đã nghe Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 của Chính phủ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh):
Năm 2019 có thể kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, GDP năm 2018 tăng 7,08%, mức cao nhất 11 năm qua. Đáng nói là chất lượng tăng trưởng đã có thay đổi lớn; trong đó, sự đóng góp của công nghiệp khai khoáng giảm dần, công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng lên. Đặc biệt, cán cân thương mại năm 2018 đã thặng dư ở mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 6,8 tỷ USD, từ đó giúp nước ta tăng dự trữ ngoại hối và tăng sự ổn định tỷ giá đồng Việt Nam.
Năm 2018, bội chi ngân sách cũng được kiểm soát tốt… Đây là những dấu hiệu tích cực, giúp chúng ta có thể tin tưởng đất nước sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa trong năm 2019. Bằng chính sách tiền tệ chặt chẽ, bảo đảm nguồn cung hàng hóa và bình ổn giá, có thể tin tưởng năm nay, lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức dưới 4%.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang):
Thận trọng với chủ trương tăng giá hàng thiết yếu
Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong quý I-2019 cho thấy, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đã có những chuyển biến rõ nét, tăng trưởng kinh tế đạt khá trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, cần lắng nghe đầy đủ về tình hình kinh tế - xã hội để có những giải pháp mang tính đồng bộ, linh hoạt. Bên cạnh đó, cần thận trọng với chủ trương tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, dầu bởi điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số lạm phát, gây bất lợi trong điều hành vĩ mô.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đoàn Bình Định):
Tập trung thực hiện các giải pháp chống thất thu ngân sách
Sự phối hợp, đồng hành giữa Chính phủ và Quốc hội trong việc bổ sung chính sách và triển khai nghị quyết chưa bao giờ chặt chẽ như hiện nay. Tuy nhiên, để ngân sách nhà nước vững chắc hơn, cần tập trung thực hiện các giải pháp chống thất thu, chống buôn lậu, đặc biệt ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.