Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng thuận lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Dân sự

Bách Sen| 26/12/2014 07:05

(HNM) - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự án luật Dân sự (sửa đổi), sau đó lấy ý kiến nhân dân vào tháng 1-2015.

Đề xuất này được các đại biểu Quốc hội ủng hộ. Nhiều chuyên gia pháp luật còn cho rằng, thành phần tham gia góp ý càng mở rộng, càng đa dạng càng tốt. Một nội dung quan trọng, liên quan thiết thực đến đời sống người dân, đó là có nên bỏ chủ thể sở hữu hộ gia đình như nhiều nước trên thế giới áp dụng hay không cần được chọn trưng cầu ý kiến. Quá trình thi hành pháp luật cho thấy, hộ gia đình và tổ hợp tác không phải là pháp nhân mà chỉ là sự kết hợp của các cá nhân với nhau để cùng đóng góp tài sản, công sức trong thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh chung cũng như tham gia vào các quan hệ dân sự. Khi tiến hành góp vốn để kinh doanh, mua bán đất đai thì hộ gia đình đều có người đại diện thay mặt các thành viên thực hiện hành vi pháp lý. Song phân định rạch ròi trách nhiệm của chủ hộ với tư cách là cá nhân và trách nhiệm của hộ gia đình do chủ hộ đứng tên đại diện hộ gia đình chưa có. Điều này dẫn đến những khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ cũng như trong hoạt động xét xử của tòa án khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, hiện tại đất đai, nhà cửa, cơ quan chức năng đều cấp cho hộ gia đình, đứng tên cả hai vợ chồng. Pháp luật về đất đai qua các thời kỳ cũng vẫn quy định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ giao đất, cho thuê đất. Điều này có nghĩa hộ gia đình và tổ hợp tác là các chủ thể đã và đang tham gia giao dịch dân sự ở Việt Nam. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cần tiếp tục ghi nhận các chủ thể này để tạo cơ sở pháp lý bảo đảm sự ổn định của các quan hệ dân sự có liên quan.

Một vấn đề được tòa án nhiều tỉnh, thành phố kiến nghị xin ý kiến nhân dân để có sự điều chỉnh thuận lợi cho công tác xét xử là theo khoản 1 - Điều 62 Bộ luật Dân sự 2005, "Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ". Quy định này phù hợp với nhiều trường hợp. Nhưng khi một bên là chồng muốn ly hôn với người vợ (bị mất năng lực hành vi dân sự) thì việc để người chồng làm người giám hộ có khả năng gây thiệt thòi cho người vợ. Vì lúc này, người chồng vừa là nguyên đơn, vừa là người đại diện theo pháp luật cho bị đơn sẽ được tự ý quyết định mọi việc, kể cả tài sản và con chung.

Để việc lấy ý kiến nhân dân được triển khai thuận lợi, công tác chuẩn bị cũng có ý nghĩa không kém. Bộ Tư pháp cần có sự chỉnh sửa, tìm phương án tối ưu, phân tích kỹ lưỡng, lập luận chặt chẽ, kèm theo đánh giá tác động, làm cơ sở quan trọng để người dân tham khảo góp ý và bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi của luật. Bước tổng hợp thông tin cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tham vấn. Thực tế cho thấy, những ý kiến độc đáo, mới, hay nhưng chỉ là thiểu số cũng cần tiếp thu, liệt kê chi tiết bởi không phải lúc nào ý kiến số đông cũng đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng thuận lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Dân sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.