(HNM) - Nhiều năm nay, các thành viên Hội Những người nuôi con bằng sữa mẹ trên facebook đã cùng nhau kết nối, giúp những đứa trẻ thiệt thòi (mồ côi mẹ, mẹ bị bệnh không thể cho con bú) không được nuôi dưỡng bằng dòng sữa của mẹ đẻ với những bà mẹ dư sữa.
Ảnh minh họa |
Hơn một năm nay, chị Hoàng Thị Thúy (SN 1988, ở Bắc Ninh) thường xuyên vắt và trữ sữa dư để dành gửi cho một bà mẹ không có sữa ở phố Nguyễn Thị Định (quận Cầu Giấy) nuôi con. Thúy cho biết, qua Hội Những người nuôi con bằng sữa mẹ, chị đã liên kết với một người mẹ nuôi con sơ sinh nhưng bị bệnh không có sữa. Cùng cảnh có con nhỏ, Thúy rất đồng cảm với những khó khăn của người mẹ này nên chủ động mua máy vắt sữa, túi đựng sữa đúng quy chuẩn, hằng ngày vắt sữa rồi bảo quản trong ngăn đông lạnh. Định kỳ, chị nhờ người quen gửi thùng sữa bảo ôn tới tay người mẹ kia. Thỉnh thoảng, hai mẹ lại trao đổi, giúp đỡ, động viên nhau những lúc con ốm đau, sài đẹn, chậm lớn. Hơn một năm đều đặn được uống sữa mẹ, cả hai đứa trẻ đều phát triển, khôn lớn và khỏe mạnh. Được các thành viên Hội Những người nuôi con bằng sữa mẹ hỗ trợ kịp thời mỗi khi gặp khó khăn, hai mẹ cũng ngày một tự
tin hơn. Thúy là một trong gần 15.000 thành viên Hội Những người nuôi con bằng sữa mẹ, đang hằng ngày hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, tiếp sức cho những đứa con khôn lớn.
Hai năm trước, vợ anh Trình Tuấn (SN 1984, cựu thành viên của BKAVPro Robocon - ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) qua đời khi con anh được 10 ngày tuổi. Bé mắc chứng khó tiêu, táo bón, chậm lớn khi sử dụng sữa công thức, nên Tuấn phải lặn lội nhiều nơi xin sữa, tiếp cận với nhiều bà mẹ đang nuôi con nhỏ để con gái có đủ sữa. Thấy được những khó khăn khi nuôi con nhỏ không có sữa mẹ, Tuấn đã sáng lập nên Ngân hàng Sữa mẹ online, tạo mạng lưới liên kết, vừa giúp việc trao đổi, tặng sữa mẹ thuận tiện, bảo đảm chất lượng, vừa hỗ trợ các bà mẹ về kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp nuôi con. Hiện Ngân hàng Sữa mẹ online cùng với trang Hội Những người nuôi con bằng sữa mẹ trên facebook bắt đầu kết nối với hệ thống Ngân hàng Sữa mẹ của thế giới. Dần dần, mạng lưới đã cung cấp đầy đủ kiến thức, hướng dẫn các mẹ cách nuôi con đúng đắn, cách chữa các bệnh thông thường cho bé và mẹ. Thành viên của mạng lưới đã tổ chức nhiều buổi offline ở các tỉnh, thành phố; giúp các bà mẹ hiểu hơn về tầm quan trọng của nguồn sữa mẹ với sự phát triển của trẻ, nhất là trẻ sơ sinh; động viên các bà mẹ vượt mọi khó khăn cho con được bú sữa mẹ. Nhiều bà mẹ đã chủ động tìm đến giúp đỡ người cần xin sữa. Nguồn sữa quý giá này cũng đã cứu sống không ít những bé sinh non, bị bỏ rơi.
Qua facebook, các mẹ ở TP Hồ Chí Minh đã chung sức gom sữa gửi nuôi dưỡng một bé sinh non (lúc chào đời chỉ nặng 800g) bị bỏ rơi trước chùa Pháp Tánh (tỉnh Long An). Còn các bà mẹ ở Hà Nội chắt chiu, đóng thùng những giọt sữa mang nặng ân tình chuyển cho bé Trần Văn Huy mồ côi mẹ từ lúc chào đời (ở xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Chị Nguyễn Thúy Quỳnh ở khu Linh Đàm (quận Hoàng Mai - Hà Nội) tình nguyện làm đầu mối tiếp nhận sữa hằng ngày, gom sữa, trữ lạnh, định kỳ gửi cho bố bé Huy. Hơn 9 tháng được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa tình nghĩa này, bé Huy phát triển bình thường và khỏe mạnh.
Trong đời sống của người Việt, việc "bú chực", xin sữa nuôi trẻ sơ sinh không có gì lạ. Nhưng hai năm qua, Ngân hàng Sữa mẹ online và thành viên trang facebook Hội Những người nuôi con bằng sữa mẹ đã giúp hàng nghìn người mẹ đến gần nhau hơn, kết nối, trao - nhận sữa mẹ, bù đắp cho những đứa trẻ sơ sinh thiệt thòi có nguồn dinh dưỡng quý giá để trở nên khỏe mạnh. Hành động ý nghĩa này đã góp phần củng cố văn hóa cho và nhận đầy nhân ái trong cộng đồng.
Cách cho trẻ "bú chực" an toàn TS, BS Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình khẳng định, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá với trẻ, nhất là trong giai đoạn đầu đời, với những trẻ sinh non. Tuy nhiên, BS Nguyễn Thị Hoài Đức cũng khuyến cáo, với những trẻ sử dụng sữa của mẹ khác, cách tốt nhất là phải làm tiệt trùng sữa trước khi cho trẻ bú bình, nhằm phòng chống các bệnh HIV, viêm gan… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.