Xe++

Đông Nam Á tiếp tục trở thành trung tâm xe điện toàn cầu

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 26/01/2024 - 21:12

Ngay những ngày đầu năm 2024, khu vực Đông Nam Á có hàng loạt động thái mới trong ngành công nghiệp ô tô các nước thành viên.

thailand_1.jpg
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier thăm dây chuyền lắp ráp xe điện của Mercedes-Benz tại Thái Lan ngày 26-1.

Diễn biến mới nhất là việc Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trong khuôn khổ chuyến thăm Đông Nam Á đã ghé thăm nhà máy Mercedes-Benz tại Samut Prakan (Thái Lan), đúng thời điểm các dây chuyền tại đây xuất xưởng chiếc xe thứ 200.000 - một chiếc EQS thuần điện. Đây cũng là chiếc xe điện đầu tiên xuất xưởng tại nhà máy của Mercedes-Benz tại Thái Lan, đánh dấu một mốc quan trọng của nền công nghiệp ô tô phát triển nhất khu vực.

Gần như cùng lúc, đích thân Giám đốc điều hành Porsche (đồng thời là Giám đốc điều hành cả Tập đoàn mẹ Volkswagen) Oliver Blume đã chọn Singapore để trình làng mẫu xe điện thứ hai trong lịch sử hãng: Macan EV. Đây cũng là mẫu xe truyền thống đầu tiên của nhà sản xuất trứ danh này bước sang thế hệ mới mà không còn phiên bản thuần xăng.

Kể từ khi được giới thiệu cách đây 10 năm, Macan thường xuyên là mẫu xe bán chạy nhất của Porsche. Năm 2023, 87.355 chiếc đã được bán ra trên toàn thế giới, chiếm 27,3% tổng doanh số. Tầm quan trọng của Macan trong danh mục sản phẩm của Volkswagen nói chung và Porsche nói riêng cũng đồng nghĩa, sự trình làng tại Đông Nam Á một lần nữa cho thấy khu vực này có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược tương lai của tập đoàn ô tô hàng đầu nước Đức.

lnh08571.jpg
Giám đốc điều hành Volkswagen và Porsche Oliver Blume đã tới Đông Nam Á để giới thiệu chiếc Macan thuần điện.

Trong khi đó, tại cuộc gặp giữa các nhà quản lý hàng đầu của Toyota với chính phủ Thái Lan, tập đoàn ô tô Nhật Bản cũng đã chính thức đưa ra cam kết hợp tác với Bangkok để đưa Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện hàng đầu trong khu vực ASEAN, đồng thời đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Toyota hiện cũng đang tiến hành nhiều dự án năng lượng sạch, đặc biệt là nhiên liệu hydro, tại Thái Lan.

Thực tế, việc các đại gia trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu quan tâm đến Đông Nam Á lúc này là dễ hiểu. Lý giải cho xu hướng này, Phó Chủ tịch Porsche Matthias Becker cho biết, với dân số 650 triệu người ở độ tuổi trung bình chỉ 30, khối ASEAN rõ ràng là một thị trường vô cùng hấp dẫn không chỉ với ô tô nói chung mà đặc biệt là với xe điện hoá tiên tiến. Chia sẻ tại buổi họp chiến lược cuối tháng 1-2024, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, việc ASEAN được dự báo trở thành nền kinh tế khu vực lớn thứ ba thế giới vào năm 2030, đồng nghĩa nhu cầu di chuyển trong khu vực sẽ ngày càng cao.

Bên cạnh những lợi thế về quy mô thị trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên - đặc biệt là nguyên liệu phục vụ sản xuất xe điện - dồi dào; vị trí địa lý thuận lợi; nguồn lao động trẻ và có năng lực... cũng là những thế mạnh giúp khu vực Đông Nam Á trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nguồn đầu tư sản xuất xe điện.

Trên thực tế, các quốc gia khu vực vẫn tiếp tục có thêm nhiều bước tiến vững vàng trong tiến trình điện khí hoá phương tiện giao thông. Sau nhiều năm phấn đấu, Thái Lan tới nay đã đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng chỉ số Sẵn sàng cho xe điện toàn cầu (GEMRI). Quốc gia này cũng đang ở giai đoạn phát triển xe điện thứ hai (2023-2025), với mục tiêu sản lượng xe điện vào năm 2025 là: 225.000 xe du lịch và xe bán tải, 360.000 xe hai bánh, 18.000 xe buýt/xe tải.

lnh08534.jpg
Giới chuyên môn đánh giá cao tiềm năng phát triển xe điện của khu vực Đông Nam Á.

Indonesia ngày 24-1 vừa qua cũng "gây sốc" khi chính thức được BYD chọn làm nơi xây dựng nhà máy xe điện thứ hai tại ASEAN, sau nhà máy đầu tiên ở Thái Lan. Thông báo này được đưa ra sau khi tập đoàn ô tô hàng đầu Trung Quốc giới thiệu các mẫu Atto 3, Dolphin, và Seal ở thị trường Indonesia.

BYD cho biết, khi đi vào hoạt động, nhà máy của hãng ở Indonesia sẽ có công suất 150.000 xe/năm. Ngoài BYD, Hyundai cũng đã khởi động dây chuyền sản xuất mẫu xe điện Ioniq 5 tại nhà máy Cikarang ở Indonesia.

Về phần mình, VinFast cũng đang theo đuổi các nỗ lực xây dựng mạng lưới sản xuất – phân phối trên quy mô toàn cầu, với hai đích đến quan trọng là Mỹ và Indonesia. Trong những ngày đầu năm 2024, xe VF 5 cũng đã được đăng ký trong danh sách xe điện của Bộ Năng lượng Philippines, cho thấy ngày mở bán không còn xa. VF 5 hiện cũng được dự báo sẽ tiếp cận một số thị trường Đông Nam Á khác, như Indonesia và nhiều khả năng sẽ xuất hiện tại Triển lãm Ô tô quốc tế Indonesia 2024 tháng 2-2024 tới đây.

Còn Malaysia - quốc gia đang đặt mục tiêu 80% xe mới bán ra là xe điện vào năm 2050 - cũng đang dành nhiều nỗ lực phát triển hạ tầng sản xuất xe điện. Phát biểu với báo giới hồi cuối năm 2023, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp nước này Tengku Zafrul Abdul Aziz cũng bày tỏ kỳ vọng các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Indonesia… có thể phát huy thế mạnh, cùng hợp tác để thành công trong bối cảnh chuỗi cung ứng sản xuất xe điện đang dần dịch chuyển tới khu vực ASEAN.

Theo một số dự báo từ giới chuyên môn, thị trường xe điện khu vực Đông Nam Á có thể đạt tới giá trị 2,7 tỷ USD ngay từ năm 2027, cao gấp 5 lần so với năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam Á tiếp tục trở thành trung tâm xe điện toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.