Nông nghiệp - Nông thôn

Đồng Nai: Chấn chỉnh vi phạm môi trường trong chăn nuôi

Thanh Tàu - Văn Tùng 13/10/2023 - 14:41

Đồng Nai là địa phương có quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước. Cũng vì vậy, công tác quản lý bảo vệ môi trường trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn.

387458185.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Còn nhiều vi phạm

Đồng Nai hiện có 1.457 cơ sở chăn nuôi tập trung và 22.298 cơ sở chăn nuôi hộ nhỏ lẻ với 2 loại vật nuôi chủ lực là lợn và gà. Cụ thể, tổng đàn lợn 2,5 triệu con và tổng đàn gà là 26 triệu con. Tuy nhiên, qua kiểm tra (từ tháng 5 đến đầu tháng 10-2023), cơ quan chức năng phát hiện nhiều vi phạm về môi trường.

UBND tỉnh Đồng Nai thông tin, từ tháng 5-2023 đến đầu tháng 10-2023, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi với hơn 7.800 cơ sở, qua kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm.

121336.jpg
Lực lượng chức năng niêm phong cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử phạt đối với 164 cơ sở, với số tiền hơn 6,1 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 16 cơ sở, yêu cầu tạm ngưng hoạt động đối với hơn 940 cơ sở. Trong đó, có 5 cơ sở chăn nuôi quy mô cấp tỉnh đang hoạt động nhưng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, 31 cơ sở hết thời hạn sử dụng đất.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy 19 cơ sở được cấp giấy phép xây dựng nhưng giấy phép không thể hiện các hạng mục công trình bảo vệ môi trường, 22 cơ sở hoạt động nhưng chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng chuồng trại và các hạng mục bảo vệ môi trường; cơ sở quy mô cấp huyện, còn 762/1.009 cơ sở chưa được cấp giấy phép/giấy đăng ký môi trường…

387472228.jpg
Hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo cơ quan chức năng, đa số chuồng trại của các cơ sở chăn nuôi gia súc không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chất thải xử lý sơ sài qua hầm biogas rồi dùng tưới cây hoặc để tự thấm ra đất, chảy ra suối… Đặc biệt, có gần 330 cơ sở đang hợp tác chăn nuôi cho các công ty, tập đoàn lớn nhưng chưa được UBND cấp huyện cấp thủ tục môi trường theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai Trần Trọng Toàn nhận định, những vi phạm nêu trên tồn tại chủ yếu do sự giám sát thực hiện các quy định tại cơ sở chưa thường xuyên, chặt chẽ. Quy hoạch, sử dụng đất trong chăn nuôi chưa được tuân thủ nghiêm.

Một số điểm sáng cần nhân rộng

Ngoài những tồn tại nêu trên, cơ quan chức năng qua kiểm tra cũng cho biết có nhiều cơ sở chăn nuôi chủ động ứng dụng các kỹ thuật trong bảo vệ môi trường chăn nuôi rất tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần được nhân rộng ra toàn tỉnh.

trang-trai-nuoi-bo-4.jpg
Phân bò được xử lý để tăng hiệu quả kinh tế, không gây ô nhiễm môi trường.

Điển hình, trại bò Đồng Phát, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ đang chăn nuôi khoảng 8.000 con bò, lượng chất thải rất lớn. Trang trại sử dụng men vi sinh để khử mùi hôi, dùng vôi bột khử trùng. Sau khi phân được ủ khô hết mùi, được đóng bao bán lại cho các công ty, người dân làm nguyên liệu sản xuất phân bón, trồng cây.

Phó Giám đốc Công ty chăn nuôi Đồng Phát Nguyễn Văn Ngôn chia sẻ: “Chúng tôi có công nghệ xử lý để hạn chế mùi hôi trong trang trại ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe đàn bò. Chúng tôi sử dụng đệm lót sinh học và phun các men vi sinh lên để làm hoai mục phân bò và xử lý các bước để biến chất thải thành nguyên liệu sản xuất phân bón rất hiệu quả".

Còn Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành) Lê Văn Quyết thông tin, hiện nay hợp tác xã có gần 2 triệu con gà, toàn bộ trang trại được lắp đặt hệ thống làm mát điều chỉnh độ ẩm, ánh sáng tự động; thức ăn được vận chuyển, bảo quản trong quy trình kín… Bên cạnh đó, Hợp tác xã sử dụng đệm sinh học và công nghệ khử mùi nên không gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, Hợp tác xã là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gà sang thị trường khó tính như Nhật Bản.

heo-dong-nai-1-1.jpg
Nhiều trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, cần phải xử lý triệt để những vấn đề còn tồn tại. Tỉnh sẽ quyết liệt thực hiện mục tiêu nông thôn mới nâng cao nên việc bảo vệ môi trường là tiêu chí quan trọng cần đạt được. Đồng thời, Đồng Nai định hướng sẽ phát triển du lịch nông thôn và thu hút kinh tế toàn diện, nên không để môi trường ô nhiễm là trở ngại trong phát triển kinh tế tổng hòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Chấn chỉnh vi phạm môi trường trong chăn nuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.