Đây là một nội dung được đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở nhấn mạnh trong hội nghị tổng kết Ban chỉ đạo, chiều 14-1.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng để tạo đồng thuận thực hiện tốt dân chủ cơ sở trước hết phải phát huy quyền làm chủ để người dân tham gia vào quá trình phát triển một cách tự giác, tự nguyện. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tham dự hội nghị còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo nhiều bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo…
Trong năm 2018, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở xã, phường, thị trấn có nhiều chuyển biến tích cực, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục quan tâm, chú trọng thực hiện nội dung công khai cho nhân dân biết như kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, khung giá đất, việc đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng; chủ trương, chính sách về người có công, bảo hiểm xã hội; chính sách ưu đãi cho người nghèo, bảo hiểm y tế, vay vốn; các phiên họp, bình xét hộ nghèo; mức thu các loại phí, lệ phí… đảm bảo dân chủ, minh bạch.
Việc công khai các nội dung được thực hiện với nhiều hình thức phù hợp, thông qua hệ thống loa truyền thanh, các cuộc họp thôn, tổ dân phố, niêm yết tại trụ sở HĐND, UBND, nhà văn hóa, thông báo tại các kỳ họp HĐND, các hội nghị, các cuộc tiếp xúc cử tri… Tổ chức để nhân dân tham gia bàn bạc, quyết định mức huy động các nguồn đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi trong xây dựng nông thôn mới, tạo được sự thống nhất, chung tay xây dựng của người dân.
Nhiều mô hình hay tiếp tục được duy trì và nhân rộng như: Mô hình “Xây dựng tổ dân phố văn hóa, văn minh”; mô hình khu dân cư kiểu mẫu; mô hình “Nông dân với pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”; “Cựu chiến binh với pháp luật”… đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện dân chủ, tự quản ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Việc phối hợp tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị với các tầng lớp nhân dân được quan tâm; đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những bất cập, vướng mắc từ cơ sở.
Ban Thanh tra nhân dân ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thực hiện 40.221 cuộc giám sát, có kiến nghị đối với 7.773 vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền đã xem xét, giải quyết 4.453 vụ việc, sau giám sát các cơ quan có thẩm quyền đã thu hồi 85.579 m2 đất và 6.294.671.000 đồng; tổng số cuộc giám sát đầu tư của cộng đồng được thực hiện là 35.490 cuộc; số việc đã kiến nghị, xử lý là 6.481 vụ việc, số việc được cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, nhà thầu, chủ đầu tư xử lý, giải quyết là 5.809 vụ việc.
Trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Nhiều tỉnh, thành phố thành lập trung tâm dịch vụ hành chính công tạo bước chuyển biến rõ nét trong cải cách thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng văn hóa xin lỗi đối với các hồ sơ giải quyết trễ hẹn, nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức.
Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được các cơ quan, đơn vị duy trì, chỉ đạo giải quyết theo đúng thẩm quyền quy định và đạt được nhiều kết quả. Năm 2018, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 27.580 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 83,7%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 213,2 tỷ đồng, 97,2 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.800 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 462 người, chuyển cơ quan điều tra 9 vụ.
Đa số các doanh nghiệp quan tâm tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tính đến cuối tháng 10-2018, các doanh nghiệp đã tổ chức 29.353 cuộc đối thoại định kỳ 3 tháng 1 lần và 3.749 cuộc đối thoại đột xuất. Có khoảng 25.023 bản Thỏa ước Lao động tập thể được ký mới hoặc sửa đổi, bổ sung.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác dân vận chính quyền. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tại hội nghị, các ý kiến đã tập trung phân tích nguyên nhân những vướng mắc, hạn chế khiến việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, còn hình thức, kém hiệu quả, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Việc triển khai một số chủ trương, chương trình, dự án chưa thực hiện tốt việc công khai, lấy ý kiến nhân dân, nên chưa tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường, quản lý và sử dụng ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ sản xuất, nhà ở...
Hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội vẫn còn hình thức, chưa phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên, người lao động, tham gia quản lý nhà nước. Chất lượng giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội chưa cao, nhất là ở cơ sở, chưa chú ý đến khâu theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở cho thấy vai trò quan trọng của công tác dân vận chính quyền, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính. Năm qua, việc thực hiện dân chủ cơ sở đã được lồng ghép vào các kế hoạch, chương trình hành động, mục tiêu của Chính phủ với sự phối hợp với các tổ chức đoàn thể, xã hội, MTTQ. Việc đối thoại giữa cấp uỷ, chính quyền với người dân, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đã được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo quyết liệt.
Đồng tình với các mục tiêu được đặt ra đối với công tác dân vận chính quyền trong năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục tăng cường công khai minh bạch, thực chất trong cải cách thủ tục hành chính. Trong xây dựng chính sách pháp luật cần phát huy hơn nữa vai trò của các đoàn thể chính trị, xã hội, MTTQ, đặc biệt là hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Trong nhiều việc cần làm để khắc phục tình trạng không chỉ người dân mà cả cán bộ, công chức cũng ít đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng gợi ý về cách thức, kỹ thuật công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật, thay vì nói ngay vào những điểm mới cần làm rõ vướng mắc của chính sách, quy định hiện hành, tiếp đó là phương hướng sửa đổi ra sao, để từ đó người dân góp ý. Cùng với đó, các cơ quan báo chí phải chủ động, tích cực hơn nữa trong tuyên truyền vận động chính sách trong lĩnh vực quản lý của các bộ ngành chủ quản.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh để việc thực hiện QCDC ở cơ sở ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu, các cấp ủy đảng, chính quyền cần nghiêm túc lắng nghe, giải quyết nhanh, kịp thời những vấn đề kiến nghị của cử tri và nhân dân. Đồng thời chỉ ra được nơi nào còn bức xúc, nơi nào còn tồn tại những vụ việc khiếu kiện đông người để đưa ra được giải pháp cụ thể trong xử lý các vụ việc.
“Quyền làm chủ của nhân dân cần tiếp tục được khơi dậy và phát huy, việc hòa giải ở cơ sở phải có sự vào cuộc thực sự của chính quyền, MTTQ các cấp và các đoàn thể. Việc công khai minh bạch phải thể hiện tích cực ở địa phương, cơ quan và doanh nghiệp. Phải bảo đảm chính quyền thực sự do dân, vì dân, người đứng đầu chính quyền trực tiếp tiếp dân, tránh hiện tượng ủy nhiệm cho các sở, ngành liên quan tiếp dân”, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Kết luận hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu hai vấn đề cần quan tâm trong quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở. Đó là một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở đô thị… còn gặp khó khăn trong cuộc sống, khoảng cách giàu-nghèo tiếp tục có xu hướng tăng. Những vướng mắc đang tồn tại trong quan hệ giữa chính quyền và người dân dẫn đến các vụ việc bức xúc, khiếu kiện phức tạp, đông người liên quan đến đất đai, môi trường ở một số địa phương.
Đặt câu hỏi động lực gì để tạo đồng thuận thực hiện tốt dân chủ cơ sở, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng trước hết phải phát huy quyền làm chủ để người dân tham gia vào quá trình phát triển một cách tự giác, tự nguyện. Muốn vậy người dân phải được thông tin, vận động, tuyên truyền, giải thích đầy đủ. Các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm thực sự đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.
“Khi người dân tham gia thực chất vào quá trình xây dựng chính sách thì cũng sẽ tham gia thực sự vào quá trình thực thi”, đồng chí Trương Thị Mai gợi mở.
Trong năm 2019, bên cạnh những nhiệm vụ đã được nêu, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tích cực việc xây dựng luật thực hành QCDC cơ sở; sửa đổi các quy định, cơ chế đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường vai trò của các cơ quan dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội trong giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến; tiếp tục đẩy mạnh dân vận chính quyền tập trung vào giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.