Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực tăng trưởng của các ngân hàng

Hà Linh| 26/07/2022 06:23

(HNM) - Thời gian qua, ngân hàng số được coi là động lực tăng trưởng của các ngân hàng. Hàng loạt dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng số đã ra mắt, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo các chuyên gia, cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.

Khách hàng thực hiện giao dịch không cần thẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng. Ảnh: Nguyễn Quang

“Cuộc đua” chuyển đổi số

Nói về phát triển ngân hàng số, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Tiết Văn Thành cho biết, Agribank tăng cường nhân lực và hệ thống công nghệ nhằm triển khai đa dạng sản phẩm, dịch vụ, mở rộng kênh phân phối. Đặc biệt, trong giao dịch thanh toán, Agribank đang hợp tác với các tổ chức viễn thông, công nghệ tài chính, trung gian thanh toán phát triển các giải pháp công nghệ thanh toán mới dễ sử dụng, có chi phí thấp và an toàn.

Được đánh giá là một trong những ngân hàng ứng dụng công nghệ số thành công, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) đã tập trung phát triển ứng dụng NCB iziMobile. Ứng dụng này có những tính năng quen thuộc như quản lý tài khoản, chuyển khoản, gửi tiết kiệm, thanh toán hóa đơn, tra cứu tỷ giá, lãi suất, sản phẩm dịch vụ, ưu đãi…, với công nghệ mới, bảo mật cao, tương thích với nhiều hệ điều hành, đáp ứng đầy đủ giao dịch tài chính an toàn, mọi lúc mọi nơi của khách hàng. Đại diện NCB nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ số vào mọi sản phẩm dịch vụ và hoạt động của ngân hàng là chiến lược phát triển của NCB.

Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) Nguyễn Văn Hảo cho hay, tại HDBank, chuyển đổi số đã được áp dụng trong dịch vụ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, dịch vụ công... Hay với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), ngân hàng số được phát triển để tăng trải nghiệm cho khách hàng khi nhu cầu làm việc từ xa gia tăng.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều ngân hàng thương mại đã cập nhật công nghệ số từ khá sớm để phục vụ khách hàng. Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm công nghệ và các vấn đề pháp lý liên quan, như: Trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, điện toán đám mây, sinh trắc học, tự động hóa quy trình, xác minh thông tin nhận biết khách hàng từ xa (eKYC); QR code… Có thể nói, ngân hàng số trở thành động lực tăng trưởng của các ngân hàng. Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, những tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về giao dịch và 27,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giao dịch qua internet tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng 56,52% và 111,62%. Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44%/năm trong giai đoạn 2015-2021. 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến qua phương thức eKYC.

Tiếp tục phát triển ngân hàng số

Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, 95% tổ chức tín dụng đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số toàn diện, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới vào hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp khách hàng có trải nghiệm tốt hơn. Nhiều nghiệp vụ được số hóa 100% như gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, nhiều ngân hàng có giao dịch trên kênh số đạt 90%, giúp tiết giảm chi phí rất lớn. Chuyển đổi số ngành Ngân hàng có tác động tích cực tới tất cả các ngành kinh tế, trong mọi lĩnh vực đời sống, nhưng cũng cần sự hỗ trợ của các ngành, như về bảo mật, cơ sở dữ liệu... Ngân hàng Nhà nước luôn coi cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là nhân tố quan trọng trong chuyển đổi số của ngành nhằm gia tăng trải nghiệm, bảo đảm an ninh, an toàn lợi ích cho người dùng…

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2022, với các giải pháp cụ thể. Theo đó, ngành Ngân hàng sẽ thúc đẩy thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy nhanh quá trình phổ cập thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt theo hướng thuận tiện, dễ dàng và an toàn hơn, tạo nền móng phát triển giao dịch trực tuyến và kinh tế số; xây dựng nền tảng số và phát triển dữ liệu; công bố danh mục dữ liệu mở, dữ liệu chia sẻ mặc định…

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng ưu tiên đầu tư nguồn lực, tập trung chuyển đổi số ở hoạt động thanh toán do lĩnh vực này chiếm phần lớn trong các giao dịch ngân hàng. Thanh toán liên quan tới cuộc sống người dân và đóng vai trò “cửa ngõ” kết nối với các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng - tài chính khác như tiền gửi, tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm, quản lý tài chính cá nhân… hay dịch vụ ngoài ngân hàng như y tế, giáo dục... Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục định hướng, tạo điều kiện để ngân hàng thương mại phát triển dịch vụ ngân hàng số, tạo thuận lợi hơn nữa cho khách hàng cá nhân, cũng như doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực tăng trưởng của các ngân hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.