Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực nào thắng được sức ỳ ?

Nguyễn Đức| 22/11/2011 07:51

(HNM) - Khi sự ỳ trệ đã trở thành


Quyết liệt là cần thiết

Dự án nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng khởi công xây dựng từ tháng 12-2007, với tổng vốn hơn 1.345 tỷ đồng, dự kiến khai thác từ quý I-2010, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ngày 4-10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tới kiểm tra và không chấp nhận tiến độ "rùa". Theo đơn vị tư vấn giám sát, các nhà thầu luôn vi phạm tiến độ, còn những khiếm khuyết phải sửa chữa, rất khó hoàn thành trong năm nay nếu tiếp tục với cách làm hiện tại. Ngay lập tức, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng điều động Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam trực tiếp ra điều hành dự án. Các nhà thầu cũng được yêu cầu phải tăng cường nhân lực, phương tiện thi công liên tục để bảo đảm tiến độ, nếu không sẽ bị phạt và thay thế bằng nhà thầu khác. Hơn một tháng sau, tại cuộc họp báo diễn ra tại Hà Nội, Người phát ngôn Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, dự án đang tiến triển rất tốt, chắc chắn sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm nay.


Phối cảnh nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng.

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên do Ban Quản lý dự án 2 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) làm đại diện chủ đầu tư với tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng. Đây là dự án quan trọng nhằm giảm tải áp lực cho quốc lộ 3 hiện nay, nhưng cũng đã chậm tiến độ cả năm. Khi đi thị sát, Bộ trưởng Đinh La Thăng nghiêm khắc phê bình đại diện chủ đầu tư, các nhà thầu. Ông Thăng yêu cầu chủ đại diện đầu tư có biện pháp chấn chỉnh, những nhà thầu năng lực kém phải được thay thế để bảo đảm tiến độ…

Sự quyết liệt trong đốc thúc, thực hiện các dự án là rất cần thiết để bảo đảm tiến độ các dự án. Lâu nay, dư luận bức xúc bởi sự ỳ trệ của các công trình giao thông, gây lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Bộ GTVT khẳng định, ngoài đoạn cao tốc Cầu Giẽ - QL21, từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều dự án lớn như: nhà ga sân bay Đà Nẵng, cầu Đầm Cùng (đường Hồ Chí Minh), QL18 (Cửa Ông - Mông Dương), đường sắt Hạ Long - Cái Lân, sân bay Buôn Mê Thuột… Bên cạnh đó, sẽ khởi công xây dựng mới một loạt dự án như: cầu Vĩnh Thịnh (QL2C bắc qua sông Hồng nối Ba Vì với Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc), nhà ga T2 sân bay Nội Bài, cải tạo nâng cấp đường sắt Hà Nội - Lào Cai…

Cần cơ chế và sự vận hành của hệ thống

Bộ GTVT cho biết, từ đầu năm đến nay, dù gặp nhiều khó khăn về vốn nhưng công tác xây dựng cơ bản vẫn đạt khối lượng với kết quả giải ngân cao. Cụ thể, các dự án sử dụng vốn ngân sách đã giải ngân 150% kế hoạch, các dự án sử dụng vốn ODA giải ngân 98%, dự án sử dụng vốn trái phiếu giải ngân 97%. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng loạt dự án giao thông lớn, quan trọng vẫn đang từ từ… gia hạn về đích. Ngay tại Hà Nội, ngoài dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng đang hết sức ì ạch. Dự án cầu Nhật Tân, đường Nhật Tân - Nội Bài, Đại lộ Thăng Long… vẫn đang có những vướng mắc về GPMB chưa được giải quyết dứt điểm. Dự án nhà ga T2, sân bay Nội Bài cũng liên tục lùi ngày chính thức khởi công. Rõ ràng, đang có những lực cản, sức ỳ rất lớn đối với các dự án giao thông.

Trong bối cảnh hiện nay, ngoài khó khăn quen thuộc về GPMB, điều chỉnh trượt giá… lực cản lớn nhất là huy động nguồn vốn. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách bị cắt giảm mạnh, việc đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác và tìm ra nguồn vốn thực hiện các dự án cấp thiết khác tuy khó khăn nhưng sẽ rất quan trọng.

Tuy nhiên, đây thực sự là bài toán không dễ. Các hình thức huy động vốn khác để thực hiện dự án giao thông đã được đề cập từ lâu, nhưng thực hiện chưa đáng là bao. Ngoài hình thức hợp đồng BT triển khai rất thuận lợi ở các thành phố, đô thị lớn, thì hình thức BOT, PPP (hợp tác công tư)… đang gặp khó khăn và chưa thu hút được các nhà đầu tư.

Để tìm giải pháp phù hợp, mới đây Bộ GTVT đã tổ chức "hội nghị Diên Hồng" xin ý kiến, tư vấn của chuyên gia và lãnh đạo Bộ các thời kỳ, để xây dựng một cơ chế mang tính đột phá. Đây là điều thực sự cần thiết để thúc đẩy bảo đảm tiến độ các dự án giao thông vốn mang nhiều điều tiếng những năm gần đây. Bộ trưởng Bộ GTVT không thể trực tiếp kiểm tra, đốc thúc tiến độ của từng dự án do ngành làm chủ đầu tư và càng khó để "can thiệp" vào những dự án đã phân cấp cho các địa phương. Vấn đề đặt ra là có một cơ chế thưởng phạt phân minh, rõ ràng tạo ra sự vận hành nhịp nhàng của cả hệ thống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Động lực nào thắng được sức ỳ ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.