(HNM) - Chủ trương xã hội hóa sân khấu đã có từ lâu. Nhưng thực hiện được nó dường như vẫn còn là sự xa vời, đặc biệt là đối với các đơn vị nghệ thuật phía bắc.
Thử làm cuộc khảo nghiệm bằng phỏng vấn với các nghệ sĩ miền Bắc thì thấy, sự tính toán chi li được mất là một trong những nguyên nhân chính kìm hãm tư duy bung ra làm nghệ thuật theo cách xã hội hóa. Ngay trong Nhà hát Tuổi trẻ, những người vốn năng động nhất trong công tác "PR" cho chương trình của mình cũng rất thận trọng trước vấn đề này. Đa số cho rằng, nên để họ bước ra một cách từ từ, có lộ trình, chứ không thể cắt ngay nguồn kinh phí nhà nước cấp hằng năm. Một cách khôn khéo, có nghệ sĩ bày tỏ "cần đủ mạnh mới bước ra đón gió". Thẳng thắn hơn, một nghệ sĩ khác khẳng định "dại gì thoát ra ngay…".
Rõ ràng nhà hát được địa điểm biểu diễn, được hỗ trợ kinh phí vận hành... Những nghệ sĩ trong các đơn vị công lập luôn được bảo đảm một mức lương ổn định, được các cấp quản lý tạo điều kiện cho các show diễn bên ngoài. Mà thực tế, thời gian dành cho việc chạy show bên ngoài trong bối cảnh "tối đèn" của các đơn vị phía bắc là tương đối nhiều. Cùng đó, việc các nghệ sĩ tự tổ chức làm chương trình nhân những dịp lễ tết mang tính thời vụ lại rất được tán đồng như một cách làm xã hội hóa. Dù phải tính toán nhưng phần lãi gần như nắm chắc. Có được thương hiệu của đơn vị mình, lại cũng là một thuận lợi nữa để anh chị em tham gia các hoạt động nghệ thuật bên ngoài.
Vì những nguyên nhân như trên nên chuyện các đơn vị công lập thiếu động lực để "tự bơi" trong cơ chế xã hội hóa xem ra cũng là điều dễ hiểu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.