Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực mới, thử thách mới

Hiền Lương| 24/01/2016 06:07

(HNM) - Thảo luận về các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, sáng 23-1, nhiều đại biểu trăn trở trước hàng loạt nguy cơ, thách thức đang đặt ra đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta. Điều đó đòi hỏi phát triển

Những nguy cơ hiện hữu

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào sôi động trên toàn quốc. Đến hết năm 2015, 17% số xã trên cả nước đã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 15 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010). Xét tổng thể cả giai đoạn 2011-2015, ngành Nông nghiệp đã "Duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn, bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt thấp hơn mục tiêu đề ra. Trong khi đó, phát triển sản xuất nông nghiệp những năm gần đây bộc lộ rõ sự kém bền vững, dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai, dịch bệnh và diễn biến bất lợi của thị trường trong và ngoài nước. Chất lượng, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của nhiều loại nông sản còn thấp, hiệu quả chưa cao. Mặt khác, đổi mới tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất phát triển chậm, hiệu quả chưa ổn định; kinh tế hộ nhỏ lẻ, ruộng đất sản xuất manh mún ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém và cản trở quá trình CNH, HĐH.

Nhị Khê - xã nông thôn mới tiêu biểu của huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt


Ở góc nhìn từ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, diện tích canh tác có giá trị dưới 50 triệu đồng/ha/năm chiếm tỷ lệ còn cao (31,7%). Cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp chưa cân đối, tỷ trọng ngành chăn nuôi còn thấp, chưa phát huy hết lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, khí hậu. Dịch vụ phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại.

Trong khi đó, chủ thể của ngành Nông nghiệp là nông dân cũng đối mặt với thách thức về địa vị, vai trò trong nền kinh tế. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường nhận định: "Không ít bộ, ngành và địa phương còn coi nông dân, nông nghiệp là "sân sau của công nghiệp, doanh nghiệp". Địa vị, vai trò kinh tế của nông dân, nông thôn đang có biểu hiện giảm sút trong quá trình CNH, HĐH và đô thị hóa". Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, việc đầu tư xã hội phát triển nông nghiệp giảm sút mạnh từ 32,4% của những năm 1989-1990 xuống còn 14,2% những năm 2005-2010 và chỉ còn 6,12% đến 6,06% những năm 2012-2014. Nông thôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định vì công ăn việc làm và ô nhiễm môi trường. "Nông dân đang mất dần năng lực sáng tạo văn hóa, bị cuốn theo lợi ích vật chất. Lối sống thực dụng "đèn nhà ai nhà nấy rạng", "sống chết mặc bay", đua theo lợi ích trước mắt mà buông lỏng vệ sinh an toàn thực phẩm, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng" - ông Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh.

Đòi hỏi một sức bật mới

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đã kiến nghị 8 nhóm giải pháp nhằm nâng cao vai trò của nông dân. Trước hết, cần thực hiện cụ thể hơn nữa Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mục tiêu trọng điểm là đến năm 2020, phải nâng mức thu nhập của nông dân lên gấp 2,5 lần so với năm 2008 và tăng dần vào những năm tiếp theo. Đây là nền tảng, là điều kiện tiên quyết để nâng cao dân sinh, dân trí, dân luật, dân chủ cho nông dân. Đầu tư cho "tam nông" phải duy trì đúng theo Nghị quyết Trung ương 7, bảo đảm mỗi 5 năm sau gấp 2,5 lần 5 năm trước. Đồng thời, tập trung giải quyết khó khăn, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn bằng 3 biện pháp mạnh, có tính đột phá, gồm: Khoa học kỹ thuật; an toàn vệ sinh thực phẩm và cung cấp thông tin thị trường, giá cả; gắn liền với mở rộng, phát triển thị trường tiềm năng có giá trị sinh lời cao như: Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… hạn chế thị trường dễ tính, giá rẻ và bấp bênh. Đặc biệt, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, cần tổng kết lý luận với thực tiễn, đề ra các tiêu chí cụ thể và chỉ đạo xây dựng mẫu hình "người nông dân mới" trong thời kỳ CNH, HĐH với các tiêu chí "nhận thức mới, kiến thức mới, ý thức mới, văn hóa mới, quyết tâm mới để có đời sống cao hơn...".

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới, các văn kiện trình Đại hội đã xác định: "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế", trong đó "Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới". Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Trong đó, cần đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng bảo đảm gắn với chế biến và tiêu thụ. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng, cần chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.

Trong khi đó, từ thực tiễn ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S kiến nghị cần gắn kết thực hiện Chương trình nông nghiệp công nghệ cao với Chương trình xây dựng NTM, Chương trình giảm nghèo bền vững hợp lý ở từng địa bàn nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nâng cao vị thế và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân; đạt mục tiêu nâng mức thu nhập của nông dân, nhất là nông dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cao hơn mức thu nhập bình quân chung.

Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu CGI, năm 2015, Việt Nam có thứ hạng 56/140 nền kinh tế, đạt 4,3/7 điểm.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Phạm Xuân Đương cho biết, trong ASEAN, ngoại trừ Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei có điểm số đạt trên 4,5, thứ hạng năm 2015 của Việt Nam chỉ cao hơn các nước còn lại trong ASEAN-4 (Lào, Myanmar, Campuchia, Việt Nam). Từ những trăn trở về "tam nông" soi chiếu với những phân tích về năng lực cạnh tranh quốc gia nói trên càng thấy rõ hơn yêu cầu cần có sức bật mới thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển hơn bao giờ hết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Động lực mới, thử thách mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.