(HNM) - Tới Ấn Độ - cường quốc kinh tế thứ ba Châu Á - trong 3 ngày (từ 11 đến 13-12), chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không ngoài mục đích thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và an ninh giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu lục.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi. |
Trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản kỳ vọng hợp tác song phương trên các lĩnh vực, từ đường sắt cao tốc đến an ninh và sử dụng năng lượng hạt nhân... sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ Nhật Bản và Ấn Độ. Và ngay trong ngày đầu chuyến công du, Thủ tướng S.Abe đã tham dự hội thảo Đổi mới Nhật Bản - Ấn Độ với sự tham gia của nhiều doanh nhân. Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng S.Abe và người đồng cấp Narendra Modi ngày 12-12 là cuộc gặp thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo trong một tháng qua. Nội dung được hai nhà lãnh đạo cùng quan tâm là củng cố mối quan hệ vừa được nâng cấp lên tầm "Đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu" hồi năm ngoái. Trong đó, đáng chú ý là thỏa thuận về việc Nhật Bản sẽ tham gia các cuộc tập trận hải quân Malabar thường niên Mỹ - Ấn. Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi quan điểm về một lá chắn tên lửa mà Nhật Bản sẽ đầu tư 81 tỷ USD. Đây là mối quan tâm chung của hai nước, phía Nhật Bản lo ngại một vụ tấn công tên lửa từ Triều Tiên, trong khi Ấn Độ cũng có lý do để quan ngại những cuộc tấn công tương tự từ Pakistan...
Một vấn đề quan trọng khác cũng được đề cập trong chuyến thăm của Thủ tướng S.Abe là thỏa thuận quốc phòng Ấn - Nhật. Theo đó, Ấn Độ sẽ mua 12 thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản; đồng thời thành lập liên doanh sản xuất US-2 tại Ấn Độ. Về kinh tế, Thủ tướng S.Abe đã công bố khoản vay 15 tỷ USD với lãi suất ưu đãi để tài trợ cho tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của các nhà thầu Nhật Bản tại Ấn Độ (dài 505km nối Mumbai với Ahmedabad, thủ phủ thương mại của bang Gujarat - quê hương của ông N.Modi).
Trong khi đó, Trung Quốc đã giành được hợp đồng định giá khả thi tuyến đường sắt cao tốc Delhi - Mumbai, dài 1.200km. Hai dự án này là một phần của hệ thống đường sắt được gọi là "viên kim cương bốn cạnh" dài hơn 10.000km được Ấn Độ thiết lập để kết nối Delhi - Mumbai - Chennai - Kolkata.
Nhật Bản - Ấn Độ xích lại gần nhau hơn khi Nhật Bản - một đồng minh của Mỹ trong khu vực, đang nỗ lực "tập hợp" các quốc gia Châu Á trước những nguy cơ bất ổn tiềm tàng. Trong đó, Ấn Độ giữ vai trò trung tâm trong chiến lược của Thủ tướng S.Abe về một liên minh ngoại giao và quốc phòng với các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng trên hết, quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Modi - Abe chính là tình bạn lâu năm. Thủ tướng N.Modi từng 5 lần đến thăm Nhật Bản, có quan hệ tốt với cá nhân Thủ tướng S.Abe. Tình bằng hữu giữa hai nhà lãnh đạo được thể hiện rất rõ trong từng chuyến thăm. Thủ tướng N.Modi và Thủ tướng S.Abe đều nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa hai nước đã "được thử thách qua thời gian và có tiềm năng nhất trên thế giới".
Đặc biệt, cả hai đều biết cách lắng nghe trong đối thoại, đều nhìn thế giới cùng một quan điểm và tư duy kinh tế của họ cũng tương đồng. Ấn Độ và Nhật Bản đều kỳ vọng trở thành Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an trong khuôn khổ cuộc cải tổ Liên hợp quốc. Cùng với mục tiêu phát triển quan hệ an ninh, hai nhà lãnh đạo cũng đặt mục tiêu tăng cường quan hệ kinh tế thương mại tương xứng. Thủ tướng S.Abe đã vạch kế hoạch nhằm tăng gấp đôi đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản và số công ty của nước này hoạt động tại Ấn Độ; đồng thời cam kết đầu tư 3,5 nghìn tỷ yên vào Ấn Độ trong vòng 5 năm tới...
Chuyến công du của nhà lãnh đạo Nhật Bản được nhìn nhận sẽ tạo động lực mới cho quan hệ Đối tác toàn diện Ấn Độ - Nhật Bản, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển ở Châu Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.