Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực của nền kinh tế

Quỳnh Anh| 22/02/2022 06:08

(HNM) - Xác định rõ vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đặc biệt, Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển khu vực kinh tế tư nhân “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, để phát huy tối đa vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp tư nhân đã không ngừng phát triển. Đến nay, doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm nội địa. Trong đó, một số doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu trong khu vực và quốc tế, góp phần tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển là tín hiệu đáng mừng. Song, nhìn nhận một cách khách quan, đội ngũ này đông về số lượng nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, thiếu vắng doanh nghiệp lớn, hoạt động đa ngành; trình độ công nghệ, quản trị không cao, khả năng liên kết, hợp tác kinh doanh hạn chế; năng lực tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn yếu... Đặc biệt, năng lực chống chịu trước “cú sốc” dịch Covid-19 còn hạn chế; tình trạng đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh trở nên phổ biến...

Phát triển doanh nghiệp tư nhân không chỉ bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách mà còn giải quyết được hàng loạt những vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo... do đó cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tư nhân phát triển hơn nữa. Cụ thể, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, cần có sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, quản trị, nhất là giảm thiểu thủ tục gia nhập thị trường. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; có chính sách hỗ trợ cụ thể được luật định rõ ràng, xóa bỏ mọi “gánh nặng” chi phí không chính thức...

Trong bối cảnh hiện nay, các cấp, ngành, địa phương cần chủ động vào cuộc, xác định doanh nghiệp là mục tiêu phục vụ. Theo đó, cần thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động của dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện tốt Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025”. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện nhất quán, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực, ưu đãi về vốn, tài nguyên, đất đai...

Về phần mình, bên cạnh sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, mỗi doanh nghiệp tư nhân phải nỗ lực trên “đôi chân” của mình, tập trung cải thiện những điểm yếu cố hữu, như tình trạng vốn “mỏng”, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thông tin thị trường, pháp lý..., cũng như thực hiện tốt việc chuyển đổi số để thích ứng với dịch Covid-19; không ngừng đổi mới chất lượng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao sức cạnh tranh.

Chủ động triển khai các giải pháp cải thiện, tăng cường nội lực, đồng thời tận dụng hiệu quả sự trợ giúp của Nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ ngày càng phát triển bền vững, giữ vững vị thế là động lực của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Động lực của nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.