(HNM) - Người ta gọi Đông La (huyện Hoài Đức) là xã của những tỷ phú, bởi nơi đây có trên 200 hộ chuyên trồng hoa lan các loại. Hộ ít cũng thu về 500 triệu đồng/năm, hộ nhiều lên đến vài tỷ đồng.
Những ngày này, gia đình anh Hoàng Ngọc Trường - một trong những hộ trồng lan lớn nhất xã Đông La đang bắt đầu bước vào chăm sóc và trồng vụ lan mới. Tết vừa qua, hầu hết hoa trong vườn nhà anh đã bán hết. Anh Trường cho biết: Dịp tết Bính Thân vừa qua, gia đình bán ra thị trường nhiều gấp 4-5 lần so mọi năm. Với trên 2.000m2, vườn lan có hàng chục loài lan như hồ điệp, tai trâu, quế lan hương, tam bảo sắc, đuôi cáo, đuôi sóc... Có cây lan rừng được anh tạo dáng hàng chục năm và bán với giá vài trăm triệu đồng. Năm nay, gia đình thu hơn 10 tỷ đồng từ việc bán hoa lan, trừ hết chi phí cũng thu lãi trên 2 tỷ đồng.
Chăm sóc lan tại vườn lan Hữu Tích, xã Đông La (huyện Hoài Đức). Ảnh: Bá Hoạt |
Anh Tạ Công Soái - một trong những chủ vườn lan trẻ tuổi (sinh năm 1986) cũng thu về hàng tỷ đồng từ nghề trồng lan mỗi dịp Tết đến, xuân về. Anh Soái cho biết: Sau nhiều năm làm thuê, kiếm sống khắp nơi bằng nhiều nghề khác nhau, anh nghĩ "quê hương nhiều hộ giàu lên vì trồng lan sao mình không về quê mà học các bậc đàn anh để thoát nghèo". Với tư tưởng đó, anh xin vào làm thuê trong một vườn lan, sau khi được những người trong nghề chỉ dẫn, giúp đỡ anh đã mạnh dạn đầu tư trồng một vườn lan riêng. Khởi điểm, vườn lan chỉ rộng hơn 200m2 nay đã mở rộng gần 1.000m2. Tết vừa qua, gia đình thu về hơn 1 tỷ đồng từ tiền bán lan, trừ hết chi phí cũng lãi một nửa.
Nói về nghề trồng hoa lan nơi đây, ông Trần Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Đông La cho biết: Xuất phát từ thú chơi lan của người dân trong xã mỗi dịp Tết đến, xuân về mà cây lan "bén duyên" với đồng đất Đông La. "Trước kia, một vài người dân trong xã đi làm thuê khắp nơi, Tết đến họ đều mang về một vài cây lan rừng hoặc chậu lan cảnh để chơi trong nhà. Thú chơi lan, yêu lan đã khiến họ "say" loài hoa này. Một vài gia đình bắt đầu đi tìm lan về chăm sóc, thuần dưỡng để phục vụ nhu cầu "thưởng hoa" của mình. Sau đó, các hộ bắt đầu mua lan rừng về chăm sóc, lai ghép để phục vụ nhu cầu thị trường" - ông Trần Văn Quý cho biết. Ban đầu, chỉ có một hai hộ trồng lan, sau một vài năm, thấy mô hình cho hiệu quả kinh tế cao nhiều hộ bắt đầu trồng với quy mô lớn. Đến nay, toàn xã có trên 200 hộ trồng lan với các chủng loại lan khác nhau nhưng nhiều nhất, giá trị kinh tế nhất phải là các loại lan rừng. Có chủ vườn, sau khi mua được gốc lan rừng về chăm sóc, ghép giống sau 3-7 năm, cá biệt có cây đến chục năm mới "xuất" bán với giá vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Ông Dương Kim Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông La cho biết: Lan Đông La đến nay không chỉ bán cho thị trường Hà Nội mà được xuất bán đi rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nên cũng có thương hiệu riêng trong giới "sành" lan. Nhờ cây lan, người Đông La đã vươn lên làm giàu. Quang cảnh làng quê nơi đây giờ là những ngôi nhà cao tầng khang trang, tiện nghi, những ô tô "xịn" nối nhau đỗ ngoài ngõ.
"Người ta cứ nói nông dân là nghèo khổ, thiếu kiến thức, nhưng nông dân ở Đông La giàu và giỏi lắm. Nhiều vườn lan ở đây thu lãi từ 500 triệu đồng đến cả tỷ đồng/năm, ít cũng vài trăm triệu đồng. Vì thế người ta gọi Đông La là xã của những tỷ phú. Thời gian tới, Hiệp hội Lan Đông La sẽ đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, xây dựng những vườn lan chất lượng, an toàn, có thể xuất khẩu" - ông Dương Kim Thành tự hào cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.