(HNM) - Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đóng tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì) là đơn vị duy nhất của thành phố thực hiện chức năng nuôi dưỡng tập trung trẻ em có HIV có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng hành với trẻ em có HIV, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội Phạm Đình Giang cho biết, các cháu luôn nhận được sự quan tâm về nhiều mặt của các cấp, ngành chức năng và xã hội.
- Sau 20 năm được giao nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ (từ năm 2001 đến nay), Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội trở thành mái ấm gia đình của những trẻ em không may mắc HIV bị mất nguồn nuôi dưỡng ngoài cộng đồng. Hành trình này gặp không ít gian nan, nhưng cũng thu về nhiều “trái ngọt”. Ông có thể cho biết rõ hơn?
- Trong những năm vừa qua, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội và trẻ em có HIV sinh sống tại đây luôn nhận được sự quan tâm về nhiều mặt của các cơ quan chức năng và người dân trong cộng đồng. Nhờ đó, các cháu được học tập, sinh hoạt, vui chơi trong không gian khang trang, thân thiện, tiện ích. 100% trẻ trong độ tuổi được đi học theo chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp. Về chăm sóc sức khỏe, các cháu được hỗ trợ thuốc điều trị bệnh, lại có đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế chăm sóc 24/24 giờ, nên mọi loại bệnh đều được phát hiện, điều trị kịp thời.
Lớn lên trong môi trường lắng đọng tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ, các cháu dần khôn lớn, trưởng thành. Đến nay, hơn 20 cháu đã hòa nhập xã hội, thỉnh thoảng các cháu vẫn về Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội thăm những người bố, người mẹ thứ hai, thăm anh, chị, em đồng cảnh. Còn 67 cháu đang sống tại ngôi nhà chung ngày càng có sự chuyển biến tích cực về thể chất, tinh thần, kỹ năng sống. Tất cả các cháu đủ sức khỏe để đến trường, tham gia các chương trình, hoạt động phù hợp.
- Nhiều ý kiến cho rằng, đối với trẻ em có HIV, điều các cháu cần nhất là cơ hội hòa nhập, ông thấy sao?
- Như tôi vừa trao đổi, hiện nay các cháu được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo. Vấn đề các cháu mong muốn có được là cơ hội hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, đâu đó trong cộng đồng vẫn có những người còn tâm lý e dè khi tiếp xúc với người có HIV/AIDS nói chung, trẻ em có HIV nói riêng. Đây là rào cản lớn nhất trong hành trình hòa nhập của trẻ em có HIV. Điều này lý giải vì sao, nhiều năm qua, chúng tôi phải bố trí các lớp học tại đơn vị cho các cháu bậc tiểu học, còn Trường Tiểu học Yên Bài phân công giáo viên vào đơn vị dạy cho các cháu. Bởi, ở độ tuổi này, các cháu rất hiếu động, nên chưa biết cách bảo đảm an toàn cho chính mình và bạn bè xung quanh.
Từ bậc trung học cơ sở trở lên, các cháu được đến trường như bạn bè, nhưng điều chúng tôi băn khoăn là việc định hướng nghề nghiệp cho các cháu gặp rất nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng của bệnh tật, các cháu không khỏe mạnh như người bình thường, nên không đủ khả năng làm công việc căng thẳng, vất vả. Hơn nữa, các cháu ở nhiều độ tuổi khác nhau, khiến việc mở lớp dạy nghề phù hợp tại đơn vị không dễ thực hiện. Những năm vừa qua, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội đã phối hợp với một số cơ quan, tổ chức thí điểm mở một số lớp dạy nghề cho trẻ em có HIV tại đơn vị, nhưng kết quả không như mong muốn.
Điều đáng quan tâm, theo các quy định hiện hành, các cháu được xác định là nhóm trẻ đặc biệt, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, thụ hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề tương tự các nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khác, trong khi trên thực tế, các cháu có thể làm nhiều công việc phổ biến trên thị trường lao động. Khi đủ trưởng thành, hòa nhập xã hội, vì nhiều lý do, các cháu vẫn dè dặt trong giao tiếp với những người xung quanh...
- Theo ông, các bên liên quan cần làm gì để ngôi nhà chung của trẻ em có HIV ngày càng ấm áp và cơ hội hòa nhập của các cháu rộng mở hơn?
- Ngoài các chế độ, chính sách đã, đang triển khai, tôi mong muốn các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, đồng hành với các cháu trên chặng đường phát triển bằng những hành động, việc làm thiết thực. Về công tác hướng nghiệp, dạy nghề, trong bối cảnh hiện nay, có lẽ nghề nghiệp phù hợp với các cháu là máy tính văn phòng, thiết kế đồ họa... Làm những nghề này, các cháu có thể ngồi trong phòng, làm việc độc lập, không ảnh hưởng đến những người xung quanh, ít nguy cơ bị thương dẫn đến chảy máu, khiến sức khỏe bị suy giảm... Vì thế, tôi mong muốn các tổ chức, cá nhân hỗ trợ dạy những nghề phù hợp với các cháu.
Trong đời sống, cùng với việc được nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị phục hồi sức khỏe, trẻ em có HIV rất cần sự kết nối với cộng đồng, giúp trẻ được thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em, được thụ hưởng các quyền được bảo vệ của trẻ em. Đây chính là chìa khóa để trẻ có HIV tự tin hòa nhập.
Để thực hiện tốt hơn việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có HIV, đội ngũ cán bộ, nhân viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, trực tiếp là những cán bộ Phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn quan tâm, yêu thương các cháu bằng tấm lòng của những người bố, người mẹ, bằng trách nhiệm của những người làm nghề công tác xã hội. Hiện nay, dù khó khăn, chúng tôi đã phối hợp với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho các cháu sắp đến tuổi trưởng thành.
Nhìn chung, mỗi cháu đến với Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội có một hoàn cảnh, một số phận, nhưng tất cả được yêu thương, chăm sóc, giáo dục toàn diện. Và tôi tin, nỗi buồn của các cháu sẽ vơi dần, niềm vui, hạnh phúc sẽ nhân lên theo ngày tháng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.