Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành giúp con người vượt lên số phận

Quỳnh Anh| 23/11/2010 07:59

(HNM) - Một cậu học trò liệt hai chân bẩm sinh, ngày ngày đến trường nhờ đôi chân của mẹ. Một cô gái với tuổi thơ nghiệt ngã, 3 tuổi bị tai nạn mất cánh tay phải, rồi cha chết, anh trai qua đời, mẹ đang thụ án; một sinh viên nghèo, cuộc sống luôn gắn chặt với chiếc xe lăn và những lần nhập viện phẫu thuật...

Đại diện Báo Hànộimới và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential trao học bổng cho học sinh vượt khó năm 2009. Ảnh: Bá Hoạt


Đến trường bằng đôi chân của mẹ
Buổi học vừa kết thúc, một phụ nữ da đen sạm, gày gò lặng lẽ đẩy xe lăn đến gần cửa lớp rồi đi vào đón con trai, đôi chân tật nguyền của em đung đưa thõng thượt. Người mẹ nhẹ nhàng đặt con vào xe rồi đẩy ra khỏi cổng trường... Hơn hai năm nay, hình ảnh này đã trở nên quen thuộc với các sinh viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. "Mẹ đã dùng đôi chân của mình đưa em đến trường thì em mới được như ngày hôm nay" - Nguyễn Hà Hải tự hào.

Nguyễn Hà Hải, sinh năm 1990, quê ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Khi mới cất tiếng khóc chào đời, em cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhưng rồi bất hạnh ập đến khi trận sốt kéo dài nhiều ngày khiến đôi chân của em teo nhỏ lại. Vậy là, mẹ Hải đành phải từ bỏ công việc để cõng con trai đến trường. Bù đắp lại công sức vất vả của mẹ, những năm học cuối cấp, Hải luôn giành được danh hiệu học sinh khá, giỏi. Đến kỳ thi đại học, Hải thi đỗ vào Khoa Thông tin thư viện, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội với số điểm 20.

Gia đình thuộc diện nghèo nên để cho con học đại học, mẹ Hải đã vay vốn ngân hàng và họ hàng, làng xóm. Rồi bà phải bỏ lại ruộng vườn cho người con gái để cùng Hải lên Hà Nội. Những ngày mới lên, Hải được ở ký túc xá nhưng mẹ thì không. Sau nhiều lần xin ở cùng con không được, bà lại đẩy Hải trên xe lăn đi từng ngõ ngách để thuê nhà trọ cho hai mẹ con cùng ở. "Dù nắng hay mưa, dù trong người hơi mệt nhưng mẹ đều cố gắng đưa em đến trường, rồi đợi em tan học đưa về nhà. Tật nguyền như em đi học gặp nhiều khó khăn lắm, có lúc cũng muốn buông tay, nhưng nghĩ tới công mẹ, em lại gắng sức, quyết tâm vươn lên" - Hải tâm sự. Hiện nay, ngoài học tập ở trường, Hải còn tham gia sinh hoạt ở CLB Hoa Đá.

Người biết tạo sức mạnh
 "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh gian khổ. Ở cuộc đời này không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy". Đó là câu trích từ tác phẩm “Mùa lạc” của nhà văn Nguyễn Khải, mà em Tạ Thị Quỳnh Mai, K59, Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội rất tâm đắc.

Quỳnh Mai sinh ra và lớn lên ở vùng lòng chảo Điện Biên, thôn C9A, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Nhà có hai anh em, nhưng anh trai mất khi Mai mới hai tháng tuổi do ngã xuống giếng. Bố làm thợ mộc, mẹ đau ốm quanh năm nên cuộc sống gia đình luôn chật vật. Năm lên ba tuổi, Mai bị ngã vào máy cưa đang xẻ gỗ của bố, phải cắt bỏ cánh tay phải. Mai bảo, cuộc đời mỗi người ai cũng có những lúc thăng trầm và có những ranh giới cần phải bước qua. Ranh giới đó là những khó khăn về vật chất, cũng có thể là những tổn thương về tinh thần. Em đang phải bước qua những ranh giới ấy. Em không nhìn những ranh giới để sợ hãi, để rút lui mà em nhìn nhận chúng để học cách đối diện và vượt qua.

Vượt qua những khó khăn bằng tất cả những gì còn lại, Mai đến trường và 12 năm học em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đúng vào lúc Mai chuẩn bị thi đại học thì sự nghiệt ngã của số phận lại đến với em: bố mất vì suy thận, mẹ vào tù. Một mình Mai lầm lũi trong căn nhà vắng lạnh, tự chăm sóc mình và hương khói cho cha và anh. Những công việc hằng ngày như tắm giặt, cơm nước… em đều phải chủ động bằng đôi chân. Nuốt nỗi đau vào trong, Mai lao vào ôn thi với ước nguyện về Hà Nội học để được ở gần mẹ (vì mẹ chuyển về trại giam Thanh Xuân, Hà Nội). Và ước nguyện của Mai thành hiện thực khi thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. "Em như đứa trẻ đang tập đi, lần đầu tiên vấp ngã, em khóc nhiều lắm, nhưng vì vẫn muốn đi được, em bước đi tiếp, lần thứ hai ngã em cũng khóc, rồi nhiều lần ngã như thế, em vẫn đứng lên đi tiếp và em trân trọng những giọt nước mắt đó, những lần vấp ngã đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành giúp con người vượt lên số phận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.