Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đóng góp của KH&CN trong sản xuất nông nghiệp: Lượng đáng mừng, chất hạn chế

Hoàng Anh| 04/10/2013 05:58

(HNM) - Để khoa học - công nghệ (KH&CN) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tất cả các khâu của sản xuất nông nghiệp, cần có sự góp sức của nhiều lực lượng khác nhau trong xã hội, trong đó doanh nghiệp giữ vị trí trung tâm.

Những kết quả nổi bật

Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Bộ KH&CN đã nêu ra những kết quả ấn tượng trong nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào phát triển nông nghiệp. Theo đó, 5 năm qua, đã có 164 giống cây trồng mới được công nhận và đưa vào sản xuất, trong đó có 97 giống thuộc nhóm cây lương thực, cây thực phẩm, 8 giống hoa, 19 giống cây ăn quả và 40 giống cây công nghiệp các loại. Hầu hết các giống mới đều cho năng suất vượt giống cây trồng phổ biến cùng loại đang sản xuất trong vùng từ 10 đến 15%. Xu hướng chung trong chọn giống là nâng cao chất lượng, nâng cao tính chống chịu sâu bệnh hại và thích nghi với sự biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, trong số các giống mới được công nhận, có nhiều giống lúa đang dần thay thế các giống lúa thuần Trung Quốc. Việc nghiên cứu về giống ngô, giống bông chuyển gen đã được thực hiện, bước đầu cho kết quả tốt. Một số giống ngô chuyển gen kháng sâu đục bắp, kháng thuốc trừ cỏ của các công ty nước ngoài cũng đã được khảo nghiệm, đánh giá rủi ro tại Việt Nam.

Cán bộ của Trung tâm Sinh học thực nghiệm, Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nghiên cứu giống cây mới. Ảnh: Viết Thành


Trong lâm nghiệp, các kết quả nghiên cứu nổi bật thời gian gần đây tập trung vào các hướng như chọn lọc, lai tạo thành công các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt cho việc trồng rừng nhằm cung cấp nguyên liệu giấy và gỗ xẻ. So với thế giới, năng suất rừng trồng của nước ta không thua kém, nếu so sánh với các nước trong khu vực thì còn có phần vượt. Mặt khác, số lượng giống được công nhận và chuyển giao vào sản xuất trồng rừng ở ta cũng nhiều hơn các nước trong khu vực. Hiện nay, một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Australia đã nhập các giống của Việt Nam để khảo nghiệm nhằm tìm ra các giống phù hợp cho một số vùng của họ.

Ngày nay, Việt Nam có nhiều mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới. Theo ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH&CN và Môi trường Quốc hội, để có được vị thế đó, KH&CN đã đóng góp một vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với nhiều sản phẩm cạnh tranh giá thấp, thực tế này đòi hỏi sự góp sức một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp nếu muốn phát triển nông nghiệp lên tầm cao mới.

Tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp

Nhiều ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý cũng cho rằng, nền nông nghiệp nước ta vẫn trong tình trạng phổ biến hình thức sản xuất nhỏ lẻ, hàm lượng KH&CN trong giá trị sản phẩm còn thấp so với các nước trong khu vực, sản phẩm làm ra chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đặc biệt, sự tham gia của các doanh nghiệp vào các dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp chưa nhiều. Mối liên kết "bốn nhà" - nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp - chưa thực sự gắn bó.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH thẳng thắn cho rằng, thời gian qua, Nhà nước kêu gọi sự đoàn kết của "bốn nhà" nhưng thực tế sản xuất và kinh doanh nông sản cho thấy sự phối hợp giữa các lực lượng này chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến tình trạng mà người dân thường gặp là được mùa thì mất giá. Theo bà Thái Hương, giải pháp để đẩy mạnh quá trình ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp là Nhà nước cần ban hành chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Để ứng dụng công nghệ cao thì nhất thiết phải có được đội ngũ doanh nghiệp đủ tâm - trí - lực và lực lượng này phải thực sự quyết tâm vào cuộc. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần đề xuất với Chính phủ ban hành những chính sách đủ sức tạo khác biệt, khích lệ doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam cho rằng, Nhà nước cần đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng nông thôn... nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo. Cần có chính sách ưu đãi với nhiều hình thức thông thoáng, giúp nông dân cũng như các thành phần kinh tế khác thực hiện đầu tư, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị như máy gặt đập liên hợp, máy sấy lúa… nhằm giảm bớt tổn thất trong quá trình thu hoạch, sản xuất chế biến.

Đại diện Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng chia sẻ về sự cần thiết phải có chính sách khuyến khích, đãi ngộ thích hợp, giúp cán bộ KH&CN của nước nhà nói chung và ngành cao su nói riêng được hưởng lợi từ chính kết quả nghiên cứu của mình.

Ý kiến chung mà nhiều đại diện doanh nghiệp đưa ra là nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp còn quá ít, lại phân chia manh mún, chưa tập trung cho mục tiêu hình thành chuỗi giá trị gia tăng tối ưu từ nghiên cứu tới sản phẩm cuối cùng.

Nhìn lại kết quả 5 năm đóng góp của KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: "Nhìn vào lượng thì đáng mừng, nhưng nhìn vào chất thấy còn những hạn chế… Nếu chúng ta vừa muốn được Nhà nước bao cấp, vừa muốn đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu thì không có cách gì thỏa mãn". Chủ tịch Quốc hội đặc biệt yêu cầu nâng cao sự liên kết giữa giới khoa học với doanh nghiệp, nông dân và thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đóng góp của KH&CN trong sản xuất nông nghiệp: Lượng đáng mừng, chất hạn chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.