(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin ngày 27-2, trận động đất mạnh 8,8 độ ríchte làm rung chuyển miền Trung Chilê tính đến ngày 28-2 đã có 300 người thiệt mạng. Đây chưa phải là con số cuối cùng về thương vong.
Những chiếc xe ô tô lật nhào do đường cao tốc bị phá hủy bởi động đất tại thành phố Santiago, Chile. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Tổng thống Misen Bachêlết cho biết hai triệu người đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất kinh hoàng nói trên và bà đã tuyên bố "khu vực thảm họa" tại 6 trên 15 khu vực của nước này. Còn theo công ty đánh giá rủi ro của Mỹ, (EQECAT), tổng thiệt hại về kinh tế sau trận động đất là từ 15 tỷ USD đến 30 tỷ USD. Số tiền này tương đương với từ 10-15% tổng sản phẩm quốc nội thực sự của Chilê. Bộ trưởng Nhà ở Chilê Patricia Bôlêtê cho biết trận động đất đã làm khoảng 1,5 triệu ngôi nhà tại nước này bị hư hại. Quốc gia láng giềng Áchentina cũng hứng chịu một số dư chấn lên tới 6,5 độ ríchte tại một số tỉnh Tây bắc khiến một người thiệt mạng và hai người khác bị thương.
* Ngày 28-2, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi điện thăm hỏi tới Tổng thống nước Cộng hòa Chilê Misen Bachêlết Hêria. * Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm với tư cách Chủ tịch ASEAN và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng đã gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao Chilê Marianô Phécnanđết. |
Ngay sau khi xảy ra thảm họa này, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ tình đoàn kết với Chilê. Ngày 27-2, Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết hỗ trợ ngay 3 triệu ơrô cho Chilê. Cùng ngày, Tổng Thư ký (TTK) Liên hợp quốc Ban Ki Mun đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới những người dân Chilê bị mất gia đình, người thân, bạn bè và hy vọng những người bị thương mau chóng bình phục.
Các nước Mỹ Latinh cũng bày tỏ tình đoàn kết với Chilê. Từ Caracát, Tổng thống Vênêxuêla Ugô Chavết đã gửi lời chia buồn tới người dân Chilê và cam kết sẽ hỗ trợ quốc gia này. Trong một tuyên bố ngày 28-2, Người phát ngôn của Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama cho biết nước này đang theo dõi sát sao tình hình tại Chilê và sẵn sàng viện trợ nhân đạo vào thời điểm cần thiết.
lTrong khi đó, các con sóng thần bắt đầu đổ bộ vào Haoai (Mỹ) nhưng tác động đầu tiên chỉ ở mức hạn chế. Các con sóng thần cao đến 1,5m hình thành từ trận động đất tại Chilê cũng đã tràn vào bờ biển NiuDilân sáng 28-2, song hiện chưa có thông tin về thiệt hại nghiêm trọng. Tại Ôxtrâylia, các quan chức cũng đã ghi nhận những tác động đầu tiên vào sáng 28-2 của đợt sóng thần hình thành từ trận động đất trên, thông báo mực nước biển dâng cao song chưa có sóng lớn. Ngày 28-2, Cơ quan Khí tượng học Nhật Bản cho biết đợt sóng thần đầu tiên, cao khoảng 30cm, đã đổ bộ vào Nêmưrô thuộc đảo Hốccaiđô. Ngay sau đó, một con sóng thần khác, cao 1,2m, đã tràn vào thành phố cảng Cưgi thuộc quận Ioatê, song hiện chưa có thông báo về số thương vong hoặc thiệt hại. Cùng ngày, Nhật Bản đã đặt toàn bộ đường bờ biển phía Đông trong tình trạng cảnh báo sóng thần và ra lệnh cho hàng trăm nghìn người dân sống ở vùng đất thấp sơ tán lên những vùng cao hơn. Trong khi đó, đợt sóng thần đầu tiên trong đó con sóng cao nhất đo được là 80cm cũng bắt đầu đổ bộ vào bán đảo Camtrátca và đảo Curin thuộc Nga.
* Chiều 28-2, Tiến sỹ Nguyễn Tử Sơn, thuộc Viện Vật lý địa cầu - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã khẳng định Việt Nam không phải chịu ảnh hưởng từ động đất ở Chilê. Do vậy, đến chiều ngày 28-2, Việt Nam chưa nhận được bất cứ cảnh báo nào về nguy cơ bị sóng thần từ các trung tâm cảnh báo sóng thần trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.