(HNM) - Đan Phượng là địa phương dẫn đầu thành phố về trồng bưởi Diễn với diện tích trên 340ha, 1ha bưởi Diễn (ruộng cao hạn) giá trị thu nhập cao gấp 5 lần cây lúa. Sau nhiều vụ người trồng bưởi liên tiếp gặp rủi ro vì thời tiết, huyện Đan Phượng đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu nhằm khắc phục khó khăn, nâng cao giá trị cây đặc sản này.
Thu hoạch bưởi Diễn ở huyện Đan Phượng. Ảnh: TTXVN |
Hiệu quả gấp 5 lần cây lúa
Xã Thượng Mỗ, một trong những địa phương có diện tích trồng bưởi Diễn lớn nhất huyện Đan Phượng. Năm 1996, có 200 hộ nông dân trong xã đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi ruộng cao hạn cấy lúa kém hiệu quả, đưa cây bưởi Diễn về trồng. Sau 3-4 năm chăm sóc, những vườn bưởi đã ra những trái đầu tiên. Tuy số lượng quả năm đầu chưa nhiều, song người trồng bưởi đã thu gần 2 triệu đồng/sào. Từ năm thứ 4 trở đi, mỗi cây có 40-50 quả, cây nhiều cho tới cả trăm quả, nâng giá trị thu nhập lên trên 10 triệu đồng/sào. Từ hiệu quả đó, năm 2002, UBND xã Thượng Mỗ đã tiến hành rà soát, quy hoạch lại 250ha đất nông nghiệp toàn xã và xây dựng kế hoạch chuyển trên 20ha đất trũng cấy lúa năng suất thấp sang mô hình trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Trên 100 hộ đã tham gia cải tạo đồng ruộng, lấy đất phù sa sông Hồng tôn cao nền để trồng bưởi Diễn.
Nhờ mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi vùng đất trũng năng suất thấp sang mô hình cây ăn quả, hiện nay các hộ gia đình đã có thu nhập cao. Tiêu biểu như hộ anh Tạ Văn Hinh, Đàm Văn Minh... chuyển đổi gần 2.000m2 sang trồng bưởi Diễn, đu đủ kết hợp đào ao thả cá cho doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần so với cấy lúa. Không chỉ dừng lại ở chuyển đổi những vùng đất trũng, nhiều vườn ruộng ở Thượng Mỗ cũng được chuyển đổi sang trồng bưởi Diễn. Đến nay, xã Thượng Mỗ đã có tới hàng nghìn hộ trồng bưởi Diễn (chiếm 85-90% số hộ toàn xã), nâng diện tích chuyển đổi của toàn xã lên 116ha, chiếm 45% tổng diện tích đất nông nghiệp.
Bên cạnh xã Thượng Mỗ, còn nhiều xã như Phương Đình, Đồng Tháp, Hạ Mỗ, Trung Châu… cũng phát triển mạnh cây bưởi Diễn. Theo Phòng NN&PTNT huyện Đan Phượng, trồng cây bưởi Diễn cho giá trị thu nhập cao, phù hợp với đa số các chân ruộng xấu canh tác lúa kém hiệu quả, sản phẩm dễ tiêu thụ, vì vậy bà con phát triển nhanh. Từ năm 2006 đến nay, toàn huyện đã có 10 dự án thuộc 9 xã trồng bưởi Diễn trên diện tích hơn 340ha. Trung bình, 1ha cho thu 140-220 triệu đồng, nhiều hộ chăm sóc tốt có thể đạt 300 triệu đồng/ha/năm.
Khắc phục tình trạng liên tiếp mất mùa
Lý giải về một số năm gần đây, năng suất các vườn bưởi có xu hướng giảm, ông Nguyễn Hữu Tịnh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đan Phượng cho rằng: Nguyên nhân chính là do thời tiết bất thường. Ngoài ra, giống và kỹ thuật chăm sóc chưa phù hợp cũng ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất quả. Nhận thức được điều này, huyện Đan Phượng đã có nhiều nghiên cứu về thổ nhưỡng, khí hậu để lựa chọn những giống bưởi thích hợp đưa vào trồng. Đồng thời, tăng cường thông tin cho các hộ dân kỹ thuật chọn giống, khoảng cách trồng, lượng phân bón thích hợp, cách phòng trừ sâu bệnh... Huyện cũng đã hỗ trợ bà con gần 30.000 cây bưởi giống trị giá gần 300 triệu đồng để thay thế các cây trồng kém chất lượng.
Bưởi Diễn đã khẳng định vị thế
Với kinh nghiệm thực tế trồng kết hợp với trang bị những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nhiều hộ gia đình đã trồng được những cây bưởi hàng trăm quả, chất lượng quả ngon. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn Huynh, thôn Cổ Ngõa, xã Phương Đình với 9 sào bưởi Diễn, năm qua, dù không được mùa như các năm trước, song cũng đã thu trên 100 triệu đồng, riêng bán giống cũng thu gần 50 triệu đồng. Vươn bưởi nhà ông vừa được Hội đồng bình tuyển giống bưởi Diễn đầu dòng của Sở NN&PTNT Hà Nội chứng nhận 6 cây có nguồn gốc cây ăn quả lâu năm. Ông Nguyễn Văn Huynh chia sẻ: Do hạn chế bón phân đạm, chủ yếu bón cân đối phân kali - lân - vôi, điều tiết nước trong thời kỳ quả chín (tháng 10 trở đi) nên quả đạt chất lượng thơm, ngon. Với bưởi Diễn, người trồng nên chọn nơi đất cao, tơi xốp, thoát nước tốt, không bị ngập úng, có mực nước ngầm thấp cây sẽ phát triển tốt. Ngoài ra, hộ nông dân trồng bưởi cũng cần áp dụng biện pháp "khoanh vỏ" vào thời điểm thích hợp để kích thích cho cây ra hoa, đậu quả và tiến hành đồng thời với khâu chăm sóc để tránh ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây. Không bón nhiều phân đạm, tránh tình trạng đất bị chua sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả.
Trong thời kỳ đất nước hội nhập kinh tế quốc tế, sản xuất nông nghiệp cũng cần sự nhạy bén chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm đáp ứng yêu cầu thị trường. Huyện Đan Phượng đã quan tâm xây dựng, quản lý và quảng bá sản phẩm bưởi Diễn, đồng thời khuyến khích việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tạo cho cây bưởi Diễn tăng năng suất, chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Huyện Đan Phượng đang tiến hành xây dựng thương hiệu bưởi Diễn tại xã Thượng Mỗ và dự kiến mở rộng ra xã Phương Đình làm mô hình mẫu về công tác tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó nhân rộng ra các sản phẩm khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.