Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng chí Phan Văn Khải - Người hiện thực hóa đổi mới

Nguyễn Thị Hồng Minh| 20/03/2018 13:42

(HNMO) - Đương thời, Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo làm nhiều hơn nói. Ông là người có tầm nhìn, biết lắng nghe, qua đó huy động nội lực thúc đẩy kinh tế phát triển, đưa Việt Nam hội nhập với thế giới.

Sự phát triển của thủy sản Việt nam hôm nay có đóng góp rất lớn của cố Thủ tướng Phan Văn Khải.


Tôi được phân công phụ trách về xuất khẩu, hội nhập, an toàn vệ sinh thủy sản và Trưởng ban Đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Bộ Thủy sản từ 1994 - 2007, đồng thời là đại biểu Quốc hội khóa XI (2002 - 2007). Nhờ vậy, tôi có cơ hội dự một số cuộc họp, tháp tùng một số chuyến công tác, đồng thời tham dự những phiên điều trần của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Quốc hội, trực tiếp chứng kiến chuyển đổi rất căn bản, vượt qua khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1998, vươn lên phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong gần hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Thời kỳ 1995 - 2006, vừa chập chững bước ra thị trường thế giới, thủy sản Việt Nam đã vướng phải các rào cản từ kỹ thuật đến thương mại nhưng đã hội nhập tốt và phát triển liên tục cho đến nay, có nguyên nhân hết sức quan trọng là sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời với những quyết sách nhạy bén của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Xin kể lại vài sự kiện quan trọng tác động trực tiếp đến ngành Thủy sản: Nhờ chủ trương “nghề cá nhân dân” của Thủ tướng Phan Văn Khải, khác với các ngành sản xuất khác, Bộ Thủy sản quản lý xuyên suốt chuỗi sản xuất - thương mại thủy sản. Thủy sản cũng là ngành duy nhất thoát ly khỏi “vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước”. Kết quả là xuất khẩu thủy sản năm 2006 đạt xấp xỉ 3,5 tỷ USD, gấp hơn 4 lần giá trị xuất khẩu năm 1998, đưa xuất khẩu thủy sản Việt Nam chiếm vị trí thứ ba trong xuất khẩu thủy sản thế giới.

Trong thời gian này, ngành công nghiệp chế biến thủy sản đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe nhất, thị trường mở rộng đã tạo ngành nghề mới, làm thay đổi ngoạn mục bộ mặt và cuộc sống của nhiều vùng nông thôn ven biển. Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu trong một cuộc họp đã đề nghị các Bộ “nghiên cứu kinh nghiệm quản lý xuyên suốt chuỗi sản xuất - thương mại và phát triển doanh nghiệp của Bộ Thủy sản”.

Vào năm 1998, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt nam (VASEP) chắc chắn đã không thành lập được nếu không có sự quyết đoán của Thủ tướng Phan Văn Khải. Một trong những kết quả đầu ra của Dự án Cải thiện Chất lượng và Xuất khẩu Thủy sản (SEAQUIP 1996 - 1998) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ là hỗ trợ thành lập Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Đã gần tới thời điểm kết thúc Dự án mà việc này vẫn không thực hiện được, bởi lúc đó Hội là cái gì đó rất xa lạ.

Đến khi thống nhất được trong Bộ Thủy sản để Ban Vận động thành lập VASEP gửi hồ sơ xin thành lập cũng là lúc vừa có ý kiến chỉ đạo dừng hiệu lực thi hành một Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng quy định về hình thành các Liên kết kinh tế - văn bản pháp lý duy nhất quy định về các loại liên kết của pháp nhân kinh tế. Tôi không thể quên cảm giác như va vào bức tường đá sau gần một giờ tranh luận về việc này.

Gần tới ngày Bộ Ngoại giao Đan Mạch kiểm tra kết quả thực hiện dự án SEAQUIP, tôi đã viết thư trực tiếp báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Phan Văn Khải. Không ngờ ông đồng ý ngay và giao Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn chỉ đạo quyết liệt. Và VASEP đã kịp đại hội thành lập trong ngày đầu tiên của đoàn kiểm tra kết quả thực hiện SEAQUIP của Bộ Ngoại giao Đan Mạch 12-6-1998. Kể từ đó đến nay, VASEP đã đóng vai trò hết sức quan trọng thúc đẩy xuất khẩu thủy sản, cho thấy tầm nhìn xa và tư tưởng dựa vào sức dân của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Năm 1998, trên 95% xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Nhật. Để xuất khẩu vào EU, các nước phải đạt 3 điều kiện là: văn bản pháp lý tương đương; năng lực kiểm soát của cơ quan thẩm quyền tương đương và doanh nghiệp được xác nhận đạt tiêu chuẩn quy định của EU. Để đa dạng hóa thị trường, thủy sản Việt Nam đã hết sức nỗ lực để được công nhận đạt 3 điều kiện này của EU. Các báo cáo của EU về kết quả thanh tra đều nhận định Việt Nam tiến bộ rõ rệt, những lỗi cần khắc phục không lớn.

Tuy nhiên, dù chúng ta đã có báo cáo khắc phục và chủ động mời thanh tra EU vào kiểm tra lại nhưng vẫn không có quyết định công nhận Việt Nam được xuất khẩu vào EU. Trước tình hình này, Bộ Thủy sản lúc bấy giờ đã báo cáo tình hình lên Thủ tướng, đồng thời thông báo cho các Bộ Ngoại giao, Thương mại. Thủ tướng đã vào cuộc nhanh chóng, đề cập việc công nhận thủy sản Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu đi EU trong tất cả cuộc gặp cấp cao với EU và các nước thành viên.

Thủ tướng cũng đã cho phép một số công ty bảo hiểm, dược của EU được vào Việt Nam như "có đi có lại". Nhờ đó, 18 doanh nghiệp thủy sản đầu tiên của Việt Nam được EU công nhận vào danh sách xuất khẩu đi thị trường châu Âu. Đây là cột mốc có tính bước ngoặt của thủy sản Việt Nam, mở ra cơ hội lớn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đến nhiều quốc gia khác.

Có thể nói Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo làm nhiều hơn nói, hết sức lắng nghe từ thực tiễn cuộc sống, có tầm nhìn xa và huy động thành công sức mạnh nội lực bằng nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tích cực, chủ động hội nhập. Mặc dù là con người nhân hậu, hòa đồng, có lẽ hơi “hiền” ở vị trí đứng mũi, chịu sào nhưng Thủ tướng Phan Văn Khải thực sự là con người của đổi mới, người hiện thực hóa thành công chủ trương huy động sức dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng chí Phan Văn Khải - Người hiện thực hóa đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.