(HNM) - Đồng chí Nguyễn Đình Sở, sinh ngày 16-8-1929, trong một gia đình nông dân ở làng Thuần Mỹ, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội - vùng đất văn hiến, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.
Hơn 50 năm công tác, đồng chí Nguyễn Đình Sở được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao đảm nhiệm nhiều trọng trách: Chánh Văn phòng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Sơn Tây; Thường trực Ban Chỉ đạo đấu tranh chống địch cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam của Tỉnh ủy Sơn Tây; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh Hà Tây; Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên UBND tỉnh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kế hoạch tỉnh Hà Tây; Chuyên viên Văn phòng Phủ Thủ tướng; Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh phụ trách Khối công nghiệp, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh Hà Sơn Bình...
Đặc biệt, đồng chí đã có hơn 15 năm là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, là Ủy viên Trung ương Đảng (khóa VI), Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Bình (từ tháng 11-1980 đến 9-1991) và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây (từ tháng 10-1991 đến tháng 4-1996); Ủy viên Trung ương Đảng (khóa VII), từ tháng 10-1991 đến tháng 7-1996.
Với cương vị là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, đồng chí luôn nêu tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có tinh thần rèn luyện, nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng cao cả của Đảng, vì cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí đã cùng với tập thể lãnh đạo hai tỉnh luôn vững vàng, kiên định, vượt qua nhiều khó khăn; kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên quyết đấu tranh bảo vệ Đảng; luôn trăn trở tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng phát triển.
Những năm đầu đổi mới của đất nước, là thời kỳ đất nước ta đứng trước những thử thách hiểm nghèo, một mặt là do hậu quả của khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục, mặt khác do ảnh hưởng từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu cùng sự bao vây, cấm vận của chủ nghĩa đế quốc… Là tỉnh lớn có cả đồng bằng và miền núi, nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn, nhiều mặt chưa ổn định, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Chính tại thời điểm lịch sử này, với trí tuệ và bản lĩnh của người đảng viên được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, đồng chí Nguyễn Đình Sở đã cùng với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân thực hiện đạt kết quả Chỉ thị số 100-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Đây là một chủ trương mới, một dấu mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển hướng chỉ đạo quản lý sản xuất nông nghiệp của Đảng và Nhà nước.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, đồng chí cùng Tỉnh ủy chủ trương lãnh đạo các cấp phải thực hiện đúng đắn và thống nhất nội dung về cách khoán đối với 5 khâu do tập thể đảm nhận, đó là: Điều tiết nước, làm đất, giống, phân bón và phòng trừ sâu bệnh, cùng 3 khâu giao khoán cho nhóm và người lao động đó là: Gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch. Đồng chí cùng với Tỉnh ủy cũng đề ra những biện pháp khoán quản đối với hoa màu, chăn nuôi và ngành nghề. Đặc biệt, đồng chí rất quan tâm tới lĩnh vực thủy lợi, đê điều - nền tảng quyết định đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ngay từ vụ xuân năm 1981, Khoán 100 đã lôi cuốn đông đảo nông dân ở các vùng nông thôn, vùng ngoại thị xã hăng hái, tự giác lao động, sản xuất. Sản xuất nông nghiệp ở cả hai vụ xuân, mùa đều đạt kết quả cao. Chỉ tính riêng sản lượng thóc năm 1981 đã đạt 334.843 tấn, tăng hơn 38.000 tấn so với bình quân 5 năm 1976-1980. Từ thành công này, đồng chí cùng với Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển chăn nuôi, đưa Hà Tây trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển lực lượng sản xuất và tiềm năng sản xuất trong nhân dân, đồng chí đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy thế mạnh của vùng đất trăm nghề Hà Tây, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương. Luôn đau đáu vì sự nghiệp phát triển của địa phương, đồng chí thường xuyên bám sát, gần gũi cơ sở, nắm bắt tình hình để từ đó cùng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra được chủ trương lãnh đạo đúng đắn nhất.
Trong diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tây lần thứ XII (từ ngày 24 đến 27-4-1996), đồng chí Nguyễn Đình Sở nhấn mạnh: “Đại hội này có nhiều nội dung rất quan trọng, đặc biệt là bàn định những chủ trương, giải pháp đúng đắn nhằm phát huy tốt hơn những tiềm năng, lợi thế sẵn có, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển với tốc độ cao hơn, có cơ cấu hợp lý hơn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thực hiện các chính sách xã hội, làm lành mạnh quan hệ xã hội; giữ vững ổn định chính trị”. Từ định hướng này, tỉnh Hà Tây đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phát triển thế mạnh về tiểu thủ công nghiệp, chăm lo giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, tạo động lực to lớn cho sự phát triển toàn diện của địa phương.
Cùng với phát triển kinh tế, đồng chí đã cùng Tỉnh ủy chăm lo công tác Đảng; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng và đổi mới công tác cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra và giữ gìn kỷ luật Đảng; tiếp tục đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng, đoàn kết thực hiện thắng lợi những mục tiêu Đại hội lần thứ XII Đảng bộ tỉnh đề ra, nhất là quan tâm, chăm lo cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các thế hệ lãnh đạo đi trước, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đặc biệt quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới mà vùng đất Hà Tây, xứ Đoài là địa bàn trọng tâm. Đến nay, khu vực nông thôn, nhất là các huyện của tỉnh Hà Tây cũ có nhiều thay đổi mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.
Với 90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng và với quá trình công tác hơn 50 năm phong phú, đồng chí Nguyễn Đình Sở là một tấm gương ngời sáng về ý chí rèn luyện, học tập, không ngừng phấn đấu, trưởng thành. Cuộc đời hoạt động cách mạng của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Sở đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân đó là, người cán bộ trung thành của Đảng, luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ; thương yêu đồng chí, trách nhiệm, tận tụy với nhân dân; luôn khiêm tốn cầu thị, trân trọng lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân; luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Là người con mẫu mực gắn bó với quê hương.
Ghi nhận những công lao và đóng góp của đồng chí, Đảng và Nhà nước đã trao tặng đồng chí nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng.
Giờ đây, đồng chí đã về cõi vĩnh hằng. Phát huy những thành quả mà các thế hệ đi trước, trong đó có đồng chí đã gây dựng cho địa phương, chúng tôi nguyện đoàn kết một lòng, cùng với toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, các lực lượng vũ trang Thủ đô ra sức phấn đấu, xây dựng và phát triển TP Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
HOÀNG TRUNG HẢI
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.