(HNM) - 700 ấn phẩm cùng đội ngũ trên 17.000 nhà báo hôm nay đã và đang đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền được thông tin của nhân dân. Trong dòng chảy vô cùng sôi động đó, những người làm báo cách mạng Việt Nam phải vượt qua không ít thử thách.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để người làm báo cách mạng Việt Nam nói chung và Báo Hànộimới nói riêng tiếp tục nhìn nhận lại mình để vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc và nhân dân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh thăm và chúc mừng Hội Nhà báo Việt
Giải Báo chí quốc gia lần thứ VI là tấm gương phản chiếu khá chính xác dòng chảy chính của báo chí Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Với 1.268 tác phẩm tham dự, 55/63 hội nhà báo tỉnh, thành phố tham gia, Giải Báo chí quốc gia năm nay trước hết đã thành công về mặt số lượng. Nhưng ấn tượng mạnh là nội dung và đặc biệt là vai trò mà báo chí Việt Nam đã thể hiện trong đời sống xã hội. Không chỉ là tấm gương phản chiếu đơn thuần, báo chí đã góp tiếng nói có uy tín trên các lĩnh vực, cống hiến nhiều biện pháp giải quyết các vấn đề xã hội nóng bỏng, khơi dậy nhiều phong trào xã hội tích cực, thúc đẩy hiệu quả quản lý xã hội, duy trì mạch nguồn đoàn kết và yêu nước mãnh liệt trong lòng dân tộc, góp phần giữ gìn hòa bình, phát triển ngoại giao, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ… Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son còn đánh giá, báo chí đã đấu tranh hiệu quả với luận điệu của những thế lực thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng, chống hiện tượng thoái hóa, biến chất, tự diễn biến trong cán bộ đảng viên và nhân dân, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.
Những tác phẩm đoạt giải cao năm nay đều thể hiện tính thời sự sâu sắc, vai trò định hướng dư luận và hiệu quả xã hội rõ rệt. Báo Hànộimới vinh dự có 3 tác phẩm đoạt giải B ở 3 thể loại không có giải A. Loạt bài điều tra "Tập đoàn điện lực cứu thua lỗ viễn thông bằng cách làm kỳ lạ" là công trình công phu của nhóm phóng viên phóng sự. Các điều tra này đã làm lộ ra những khuất tất nghiêm trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, qua đó góp phần ngăn chặn kịp thời việc làm thất thoát tài sản nhà nước, lấy lại niềm tin trong nhân dân. Tác phẩm bình luận chính trị "Lòng yêu nước đúng mực và thông thái" của tác giả Lê Hoàng Anh là cái nhìn tỉnh táo và khách quan về cách thể hiện lòng yêu nước trong một bối cảnh cụ thể. Bài báo đã góp phần phân tích những biểu hiện thái quá, luận điệu sai trái của một số cá nhân, tổ chức lợi dụng việc tuần hành yêu nước để gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng bất lợi đến chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, tác phẩm "Nhà bỏ hoang giữa lòng Hà Nội" của tác giả Đức Trường là lời cảnh báo sâu sắc về tính chất bất thường, không lành mạnh của thị trường bất động sản Việt Nam…
Các cơ quan báo chí có uy tín và giàu truyền thống không chỉ chiếm lĩnh các giải thưởng Giải Báo chí quốc gia năm nay mà còn tiếp tục thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong đời sống xã hội. Những tin, bài giàu tính thời sự, chi tiết sắc bén và bình luận chuẩn xác đã định hướng dư luận một cách kịp thời, thúc đẩy sự việc đi theo chiều hướng có lợi nhất cho đất nước và nhân dân. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề phức tạp đang đặt ra đối với làng báo Việt Nam. Nhà báo Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải Báo chí quốc gia cho rằng, báo chí vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc phản ánh những nhân tố mới, những tấm gương tích cực trong xã hội. Trong khi đó, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Thế Kỷ nhận xét, nhiều tác giả chưa đầu tư đúng mức về hình thức thể hiện, nên có nhiều bài báo nội dung tốt nhưng cách thể hiện rất hạn chế.
Sự cẩu thả, dễ dãi của một số người làm báo cộng với những tác động tiêu cực của vòng xoáy thị trường đã và đang tạo nên một làn sóng báo chí có tính chất tiêu cực. Đó là các bài viết có nhiều thông tin về các vụ án ly kỳ, tả chi tiết hành vi tội phạm. Đó là cách viết đi sâu khai thác đời tư của văn nghệ sỹ, ca sỹ, đưa nhiều hình ảnh, thông tin trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đó là không ít những bài viết, hình ảnh được đăng với những chi tiết thiếu nhân văn, thiếu tình người, gián tiếp cổ vũ cho cái ác… Bức xúc về mặt trái của làng báo hiện nay, nhưng chúng ta cũng coi đó là cơ hội thử thách để những người làm báo chân chính, những cơ quan báo chí cách mạng nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.