Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bộ và quyết liệt

Minh Thúy| 02/12/2017 06:42

(HNM) - Tình trạng cán bộ thuế “đi đêm” với hộ kinh doanh, doanh nghiệp diễn ra trong suốt một thời gian dài, trở thành

Những thông tin do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng "cung cấp" cho cử tri khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư vừa qua cho thấy, tiêu cực trong thu, nộp thuế vẫn là vấn đề đáng suy nghĩ. Tiêu cực ở lĩnh vực này chưa được chặn đứng đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước vẫn bị thất thu và vẫn còn không ít cán bộ ngành Thuế “nhúng chàm”…

Thực tế, lĩnh vực thuế tiềm ẩn nhiều nguy cơ và cả cơ hội tham nhũng mà cái lợi thuộc về hai phía: Người thừa hành công việc thu thuế và đối tượng nộp thuế. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Trước hết, chính sách thuế hiện vẫn thiếu ổn định, chưa rõ ràng dẫn tới cách hiểu và áp dụng của cả cơ quan thuế cũng như người nộp thuế không đồng nhất. Việc áp mức thuế khoán, giá tính thuế không đúng, thậm chí “vẽ đường cho hươu chạy” vô hình trung... khuyến khích hộ kinh doanh tìm cách trốn thuế. Cơ chế thuế khoán cố định là kẽ hở cho nhiều hộ kinh doanh lợi dụng để giảm số tiền thuế phải nộp, đồng thời với cơ hội cán bộ thuế thu lợi cá nhân bất hợp pháp. Việc hai bên cùng "có lợi" tất yếu sẽ tạo ra "sợi dây liên kết".

Thêm vào đó, việc thiếu chế tài xử phạt thích đáng trường hợp cố tình không cung cấp tài liệu hoặc kéo dài thời gian cung cấp tài liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra… càng làm tiêu cực thêm phát sinh và... sinh nhờn.

Tham nhũng thuế cùng với tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế cao, đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và làm méo mó hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường. Để chống thất thu thuế hiệu quả, cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

Điều đầu tiên và mang tính quyết định là phải sớm rà soát, điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm quy định pháp luật lĩnh vực thuế chặt chẽ, trong đó chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe. Người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm chính và cán bộ vi phạm phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Chính cơ quan thuế các cấp cũng cần tăng cường kiểm tra nội bộ và có biện pháp xử lý mạnh tay với đơn vị, cá nhân dung túng, bao che, tiếp tay cho hành vi gian lận thuế.

Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ thông tin cần được ứng dụng triệt để trong cải cách hành chính thuế. Tức là công nghệ thông tin cần hiện diện ở tối đa các khâu, các bước, bảo đảm sự minh bạch, công khai và cũng nhằm hạn chế xuống mức thấp nhất sự tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp với người thu thuế. Ngành Thuế phải tìm cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử để thay thế hóa đơn giấy, góp phần ngăn chặn tình trạng in, phát hành, mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp…

Bên cạnh đó, cần tính đến sự kết nối bằng hệ thống công nghệ giữa các hộ kinh doanh với cơ quan thuế để kiểm soát nguồn thu, từ đó có mức áp thuế chính xác hơn. Cùng với những giải pháp này, thực tế cho thấy rất cần có cơ chế kiểm soát chéo thực sự hiệu quả, bên cạnh hoạt động kiểm tra nội bộ của cơ quan thuế.

Khi các biện pháp nêu trên được đồng thời triển khai, ngành Thuế sẽ siết chặt được hoạt động quản lý, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và quan trọng hơn là bảo đảm nguồn thu ngân sách không bị tác động tiêu cực, qua đó đất nước có thêm nguồn lực phục vụ phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ và quyết liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.