Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Gia Khánh| 20/09/2022 06:07

(HNM) - Phát biểu khai mạc “Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022” với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”, tổ chức ngày 18-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu. Bài học thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như 2 năm qua có thể nói rằng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến” để ứng với “vạn biến” của tình hình kinh tế quốc tế.

Trước đó, Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới cũng nêu rõ, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược. Đây cũng là nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thực tế cho thấy, giữ ổn định kinh tế vĩ mô là một thành công lớn của Việt Nam. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, nhất là sau giai đoạn phát triển “nóng” 2007-2011, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều bất ổn, lạm phát phi mã, nợ xấu đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng, nợ công tăng cao ảnh hưởng đến các cân đối lớn của nền kinh tế…

Nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển bền vững. Đặc biệt, Việt Nam nhanh chóng vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, sớm phục hồi và phản ứng nhanh chóng với tác động từ bên ngoài.

Nhờ nền tảng là kinh tế vĩ mô ổn định, các tổ chức quốc tế đều nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 lên 6,7-7,5%, lạm phát dưới 4%. Trong tháng 8-2022, Tổ chức Xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 8,5%, mức cao nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 9-2022, tổ chức này nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên Ba2, triển vọng ổn định.

Vì thế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô luôn là mục tiêu kiên định hướng tới; là “bất biến” để ứng với “vạn biến” từ xung đột địa chính trị, lạm phát cao và xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều nước; từ giá nguyên, nhiên liệu, hàng hóa cơ bản biến động; nguy cơ suy thoái kinh tế, thu hẹp thị trường… Để làm được điều đó, Chỉ thị số 15/CT-TTg đã nêu rõ, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, linh hoạt, đồng bộ với điều hành tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao và kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, phải bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ, tài chính, lương thực, năng lượng…; thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả cung và cầu; kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu… Đồng thời, tăng cường năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời; đề cao trách nhiệm người đứng đầu...; sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao sức cạnh tranh. Qua đó, góp phần củng cố nền tảng, tạo điều kiện thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.