Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bộ nhiều giải pháp

Đan Nhiễm| 01/07/2016 06:57

(HNM) - Theo tính toán của nhiều nhà hoạch định trong lĩnh vực giao thông, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 7 triệu xe máy, gần 1 triệu ô tô, chưa kể phương tiện của các lực lượng vũ trang và của các tỉnh vào Thủ đô. Như vậy, nếu không kiểm soát số lượng phương tiện giao thông cá nhân nói chung và xe máy nói riêng


Cũng vì thế, vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân với một lộ trình cụ thể, hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị được đưa ra tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI diễn ra ngày 27-6 vừa qua đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Hà Nội định hướng đến năm 2025 sẽ hạn chế và tiến tới cấm xe máy ở một số tuyến phố nội đô. Ở đây cũng phải nói thêm, chính quyền thành phố không hạn chế quyền sở hữu, mua sắm, người dân vẫn có thể mua xe và lưu thông bình thường tại các tuyến phố không cấm.

Xe máy là một loại phương tiện giao thông cá nhân tiện ích cho nhiều người, nhưng ở góc độ khác, ngày càng có nhiều người Hà Nội cảm thấy khổ sở vì… xe máy. Nhìn vào cảnh ùn tắc trên nhiều đường phố, đặc biệt là những tuyến hạ tầng không thể đáp ứng có thể thấy rõ điều này. Thiệt hại về kinh tế - xã hội do tắc nghẽn giao thông gây ra đã quá rõ. Tai nạn chết người liên quan tới xe máy hiện chiếm số lượng cao nhất lại càng rõ hơn. Rõ ràng xe máy chỉ phù hợp ở một giai đoạn phát triển của xã hội và một lộ trình 10 năm để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đặc biệt với xe máy trong khu vực nội đô, nhất là ở những nơi không có điều kiện để cải tạo, nâng cấp, mở rộng hạ tầng cơ sở là hoàn toàn phù hợp.

Cùng với việc hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường cải thiện, nâng cao năng lực hạ tầng giao thông thì việc thay đổi tư duy của người dân trong việc tham gia giao thông cần được xem là một giải pháp quan trọng. Mặt khác, không phải không có lý khi có nhiều ý kiến cho rằng: Điều cần quan tâm là không để cho các nhóm lợi ích chi phối lộ trình cấm xe máy này, mà cụ thể ở đây là các nhà sản xuất xe máy, xe ô tô, xe buýt, các hãng taxi... và những bên liên quan. Điều kiện để sở hữu xe ô tô cá nhân cũng phải thay đổi, theo hướng siết chặt, hài hòa với lợi ích chung.

Trong thời gian tới, cùng với việc từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, Hà Nội sẽ phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng vận tải hành khách công cộng với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản đầu tư xong hạ tầng khung như các tuyến đường vành đai, xuyên tâm; phương tiện vận tải hành khách công cộng có tốc độ nhanh, khối lượng vận chuyển lớn như 8 tuyến đường sắt đô thị. Cụ thể, đến năm 2020, phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội sẽ đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại của người dân, đến 2025 được 30-40%.

Để chủ trương lớn của thành phố trở thành hiện thực, mang lại tiện ích cho người dân, tạo nền tảng phát triển cho một đô thị hiện đại, cần khẩn trương giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị đã phê duyệt; tiếp tục nâng cao hiệu quả phục vụ của xe buýt (chạy đúng giờ, phục vụ tốt, xe không phát thải gây ô nhiễm)…; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân Hà Nội hiểu, ủng hộ việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nói chung, xe máy nói riêng cần được thực hiện với một lộ trình cụ thể và các giải pháp đồng bộ. Khi giao thông công cộng phát triển, mạng lưới giao thông sẽ kết nối khu công nghiệp, các đô thị với nhau. Điều này không chỉ mang lại tiện ích cho người dân mà còn tạo nền tảng phát triển cho Thủ đô Hà Nội. Và khi có hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, hiện đại, người dân sẽ chọn phương tiện giao thông mang lại nhiều tiện ích nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ nhiều giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.