Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bộ các giải pháp

Đỗ Quỳnh Chi| 23/09/2022 06:39

(HNM) - Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ lo ngại vấn đề nhân sự của ngành đang rất khó khăn khi cả cấp phó vụ trưởng, trưởng phòng của Bộ - là những người có trình độ chuyên môn tốt - cũng xin nghỉ việc.

Thực tế nêu trên không phải là mới, nhưng tiếp nối việc trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022, khi riêng lĩnh vực y tế đã có khoảng 9.700 nhân viên tại các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc, cho thấy hiện tượng này cần nhìn nhận trong tổng thể đa chiều.

Vấn đề ở chỗ, khi người giỏi xin nghỉ việc ở cơ quan nhà nước thì luôn có nhiều cơ hội việc làm khác; trong khi thực tế có trường hợp cán bộ năng lực yếu cần thay thế thì lại “bình chân như vại”. Đây có thể coi là một “lực cản” với cơ quan nhà nước. Và khi chính các cơ quan đó thuộc diện “cầm cân nảy mực” trong nhiều quyết sách quan trọng thì câu chuyện không dừng lại ở vấn đề đơn thuần là cán bộ chọn làm việc ở đâu nữa, mà sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều hành kinh tế - xã hội.

Thực tế, nguyên nhân phổ biến khiến cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc là chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ chưa tương xứng; áp lực công việc cao; cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc chưa đủ sức hấp dẫn. Cho dù thời gian qua, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương đã hỗ trợ về thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, thiếu đồng bộ.

Qua đó cho thấy, việc đầu tiên cần làm là các bộ, ngành, địa phương quan tâm, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là ở cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định. Trong đó, cần sớm tham mưu, hoàn thiện các quy định về xã hội hóa, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước... để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm làm việc, không sợ sai, né “trách nhiệm” như xảy ra thời gian gần đây.

Đặc biệt, cần đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ trẻ. Cùng với đó, khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc. Đồng thời, có cơ chế, chính sách thỏa đáng, làm cơ sở định hướng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Các bộ, ngành chức năng cũng cần sớm nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước để triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII vào thời điểm phù hợp, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Bởi thực tế, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vài năm gần đây chưa được điều chỉnh, trong khi giá cả tiêu dùng ngày một leo thang.

Cùng với đó, cần phải có giải pháp đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thật sự hiệu quả, tránh tình trạng “dĩ hòa vi quý”. Hơn ai hết trong vấn đề này đòi hỏi trưởng các bộ phận, đơn vị trong mỗi cơ quan cần đánh giá nhân viên một cách công tâm, thực chất hơn.

Để giải tỏa “sóng ngầm” nghỉ việc trong cơ quan nhà nước không ảnh hưởng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, rất cần thực hiện đồng bộ những giải pháp nêu trên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ các giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.