Những ngày nghĩ Tết đã đi qua. Một năm mới rộn rã bắt đầu. Nhưng có không ít người trên chuyến tàu “đặc biệt” – tàu dầu thô, Tết không nghỉ và năm mới với họ xuyên suốt từ những ngày năm cũ đi qua…
Lấy mẫu sản phẩm dầu thô trước khi nhập dầu |
Chở Tết lên tàu
Sáng mùng 3 Tết Ất Mùi theo chân Đội tàu của Phòng Quản lý cảng thuộc Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tôi lên tàu dầu thô có trọng tải lớn thừ nhì ở Việt Nam đang neo tại khu vực cảng biển Dung Quất. Sóng yên, biển lặng, “con tàu 02” của nhà máy lướt độ 20 phút từ cảng PTSC đã cặp mạn con tàu dầu thô “khủng” mang tên Hercules. M của Công ty PV Trans này. Dù rất nhiều lần đi biển, song tôi vẫn rất lo lắng và cảm thấy vô cùng khó khăn để có thể bước từ tàu 02 lên tàu dầu thô. Thuyền trưởng 02 Nguyễn Hồ Dật cố bẻ lái sao cho thuận lợi nhất nhưng thú thực cũng không dễ dàng đoán định chính xác để rút chân từ tàu này đặt sang bậc thang lên xuống của tàu dầu thô. “Mũi tàu nhịp sát cầu thang, cảm thấy an toàn phải nhanh chóng bước sang; động tác dứt khoát nhé!” – Anh Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Phòng Quản lý Cảng truyền khẩu lệnh cho tôi và các anh em khác trên tàu 02. Tôi là người thứ 2 trong đoàn an toàn lên tàu dầu thô trong buổi sáng hôm ấy…
Cả con tàu dầu thô một màu đỏ quạch. Tôi được đề nghị không chụp ảnh trên boong tàu vì đảm bảo an toàn tuyệt đối cho 7 kho dầu thô gần 110.000 tấn và cả con tàu với 24 thủy thủ. Boong tàu rộng thênh thênh, chằng chịt đường ống dẫn dầu. Anh Tôn Tịnh Biên – Đội trưởng đội tàu Phòng Quản lý Cảng, người vốn dày dạn kinh nghiệm và quá quen thuộc thuộc với công việc hỗ trợ tàu dầu thô rót dầu về nhà máy, đưa tôi lên buồng lái. Vừa đi anh Biên vừa giải thích: “Con tàu mang tên Hercule. M là tên vị thần Sức Mạnh theo truyền thuyết cổ Hy Lạp, với mong ước đủ sức để vượt qua mọi sóng gió biển khơi, an toàn trong mỗi hải trình”. Rồi anh bảo tôi phải đi vào những đường vạch đỏ nhạt hơn đã kẻ sẵn trên boong vì đó là quy định của tàu dầu, để đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Vượt qua khoảng rộng boong tàu và 4 tầng cầu thang, tôi đã lên được trung tâm điều hành tàu dầu Hercules. M. Thuyền trường tàu dầu Hồ Anh Vân ra đón chúng tôi. Sau câu chào, chúc xuân tôi được thuyền trưởng Vân giới thiệu về hải trình của con tàu này. “Sau khi nhận dầu thô từ mỏ Bạch Hổ, tàu nhổ neo bắt đầu hài trình vào đêm 30 Tết. Khuya ngày mùng 2 Tết, tàu đến vùng cảng biển Dung Quất”.
Đưa những giọt dầu đầu xuân về nhà máy
Và sáng nay mùng 3 tết, tàu cặp phao SPM để rót dầu về nhà máy. “Đây là tàu dầu thô đầu tiên cặp cảng, rót dầu cho nhà máy lọc dầu Dung Quất năm Ất Mùi 2015 này đấy” – Phó phòng Quản lý cảng Nhà máy lọc dầu Nguyễn Ngọc Dũng khẳng định với chúng tôi. Chỉ vào màn hình hiển hiện vị trí tàu dầu, anh Nguyễn Ngọc Dũng bảo: Còn 3,2 hải lý nữa là tàu dầu cặp vào phao SPM để nhập dầu cho nhà máy. Với tốc độ hiện nay, khoảng 40 phút nữa, tàu sẽ đến vị trí phao SPM.
Trong khi chờ đợi tàu cặp phao SPM, tôi được Đội phó tàu Hercules. M Trần Ngọc Thường đưa đi thăm quan toàn tàu. Nơi nào cũng bất ngờ, thú vị. Bất ngờ nhất là phòng sinh hoạt tập thể trên tàu. Từ hôm 30 Tết tàu nhổ neo đến giờ, căn phòng này trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết bởi được trang hoàng cho cả tàu đón Tết. Mai, đào, quất tươi rói, mâm ngũ quả đặt dưới ảnh Bác Hồ. Dàn karaoke màn hình lớn, âm thanh chuẩn, list bài hát đậm chất “biển đảo quê hương” luôn sẵn sàng phục vụ anh em trên tàu.
Tôi ghé vào nhà bếp. Anh Sơn - bếp trưởng mà Thuyền trưởng Hồ Anh Vân giới thiệu là “xịn” nhất Công ty PV Trans, chuyên môn tàu quốc tế, trông trẻ hơn tuổi 51 của mình là người rất vui tính. Anh Sơn khoe: Làm bếp ngày Tết khác ngày thường nhiều lắm. Tôi đã tự tay làm đầy đủ các loại bánh cổ truyền để anh em đón Tết trên tàu cũng như ở nhà mình vậy. Ở đây ăn uống chẳng thiếu thứ gì, chỉ là xa gia đình, nhớ hơi ấm người thân thôi. Bát phở anh làm đãi tôi bữa sáng ngay trên sóng biển trong lúc tàu đang rót dầu về nhà máy chẳng thua gì phở ở phố cả. Ngon, đậm đà. Điều cực kỳ đặc biệt là phở này được nấu trên bếp không hề… có lửa và khói. Bếp trưởng Sơn bảo: “Vì sự an toàn tuyệt đối của tàu dầu, bếp nấu bằng nhiệt, không có lửa và khói”. Dàn bếp của tàu có thể nấu được 4 nồi thức ăn nên việc chuẩn bị bữa sáng, trưa, tối cũng không mất nhiều thời gian. Thời gian rảnh rỗi, anh lại nghiên cứu thêm tài liệu để nấu những món ngon, bổ cho thủy thủ tàu có sức vượt qua sóng gió, an toàn trong mỗi hải trình.
Phút giải lao sau ca trực Tết trên tàu dầu thô Hercules. M |
Khi đang bị cuốn vào câu chuyện với bếp trưởng Sơn thì anh Nguyễn Ngọc Dũng – Phó phòng Quản lý cảng nhà máy lọc dầu Dung Quất đã gọi bảo tàu cặp phao SPM. Ống dẫn dầu được tàu lai dắt của công ty PTSC Quảng Ngãi kéo về ngay đầu ống để đấu nối với ống dẫn, chuẩn bị bơm dầu. Trước đó, hai chiếc neo, mỗi chiếc nặng 12,5 tấn đã được thả xuống để cố định vị trí tàu dầu. Bằng công nghệ hiện đại, van được mở bắt vào đường ống đồ sộ, chằng chịt kia một cách rất chuyên nghiệp, nhanh không tưởng. Dầu trước khi rót về nhà máy được lấy mẫu, đưa về kiểm tra kỹ lưỡng. Định lượng được đo bằng máy, chuẩn xác. “Đường ống đã thông, nếu thời tiết thuận lợi dầu cứ thế chạy độ 1 ngày là cạn 7 kho chứa với gần 110.000 tấn dầu thô này. Đây là khoảng thời gian toàn tàu phải trực 24/24, đảm bảo an toàn cho công tác nhập dầu về nhà máy” – Thuyền trưởng Hồ Anh Vân bảo thế.
Những ngày Tết, nhà máy hoạt động bình thường. Để đảm bảo lượng dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành, những chuyến tàu dầu thô vẫn phải ra vào đưa dầu thô từ mỏ Bạch Hổ (Bà Rịa – Vũng Tàu) về nhà máy. Con tàu lớn thứ nhì Việt Nam mang tên Hercules. M là một trong những con tàu chở dầu thô chở luôn cả Tết nhiều nhất trên vùng biển Dung Quất. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay, Hercules. M đã chở khoảng 450 chuyến dầu rót về nhà máy và tất cả các thủy thủ tàu đều đã có những cái tết trên vùng biển quê hương lọc dầu Dung Quất. Những chuyến tàu xuyên Tết ấy đã mang về những mùa xuân tươi vui, cường thịnh cho nhà máy, cho đất nước Việt Nam. Cảm ơn các anh – những người thủy thủ tàu dâu thô đã chở mùa xuân xuyên Tết, để nhà máy mãi reo vui niềm tự hào “lọc dầu số 1 Việt Nam” hôm nay và mai sau…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.