Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đón “sóng” đầu tư từ Hàn Quốc

Hồng Sơn| 08/10/2013 06:15

(HNM) - Tập đoàn LG Electronics (Hàn Quốc) vừa công bố dự án đầu tư xây dựng tổ hợp sản xuất sản phẩm điện tử tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng), trị giá 1,5 tỷ USD.



Các chuyên gia nhận định, đây là động thái thể hiện sức hấp dẫn của môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam trong hoàn cảnh suy giảm đầu tư toàn cầu. Đặc biệt, làn "sóng" đầu tư mới từ Hàn Quốc đã xuất hiện rõ nét.

Sản xuất tại Nhà máy Điện thoại Samsung Bắc Ninh.


Cuối tháng 9 vừa qua, đoàn doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin Hàn Quốc đã có chuyến làm việc, tìm hiểu thị trường và đối tác tại Hà Nội, trong một nỗ lực tăng cường thâm nhập thị trường Việt Nam. Các DN này nhắm vào việc đáp ứng nhu cầu của đối tác bản địa về giải pháp tích hợp, thiết bị điện tử kỹ thuật số và giải pháp khai thác dữ liệu thông tin thông minh… Ở tầm vĩ mô, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cũng vừa tổ chức hội nghị "Phát triển kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: Chia sẻ kinh nghiệm, các cơ hội mới" nhằm cung cấp thông tin thị trường cũng như góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế theo hướng toàn diện, đi vào chiều sâu giữa hai quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đào Quang Thu, Việt Nam đang trông đợi các khoản đầu tư ngày càng lớn từ phía DN Hàn Quốc trong thời gian tới; đặc biệt, đối với các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ sở hạ tầng, năng lượng và các ngành dịch vụ…

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Jun Dae Joo: Hàn Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có rất nhiều điểm tương đồng, có thể hỗ trợ nhau cùng phát triển. Việt Nam đang là trọng tâm trong quá trình chuyển đổi của các nền kinh tế khu vực và là địa chỉ hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, cộng đồng DN Hàn xác định sẽ là đối tác chính của Việt Nam.

Xét về tổng thể, quan hệ đối tác kinh tế Việt - Hàn được đánh giá là điển hình của sự gia tăng nhanh, đều đặn qua các năm về giá trị trao đổi hàng hóa và vốn. Những kết quả tích cực luôn là điểm chính của quan hệ song phương. Từ đầu năm đến nay, một số đoàn DN Hàn Quốc và hiệp hội ngành hàng nước này liên tiếp tổ chức khảo sát thị trường, tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, tập trung vào khả năng tham gia một số dự án xây dựng - vận hành nhà máy điện tại miền Trung hoặc phía Nam; các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế tạo, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kết hợp với việc tìm kiếm cơ hội đấu thầu giành quyền thi công xây lắp một số công trình quy mô vừa và lớn.

Hàn Quốc là quốc gia sớm có mặt ngay từ khi Việt Nam mở cửa thu hút vốn ngoại và triển khai hoạt động đầu tư trên diện rộng, bao trùm phần lớn các ngành, lĩnh vực kinh tế. Qua đó, cộng đồng DN Hàn thu thập, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và hiểu rõ thị trường Việt Nam, quyết tâm hiện diện vì mục tiêu dài hạn. Đặc biệt, 2 năm gần đây, các dự án sản xuất linh kiện điện thoại hoặc điện thoại thành phẩm công nghệ cao, bám sát nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng quốc tế với số vốn khoảng 4 tỷ USD đã hình thành và đi vào hoạt động ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Nhà đầu tư Hàn Quốc khẳng định họ theo đuổi mục tiêu tập trung đầu tư, biến Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất chủ lực một số loại sản phẩm bán dẫn, công nghệ thông tin chất lượng cao có tính chất mũi nhọn để xuất khẩu khắp thế giới.

Quá trình đầu tư từ Hàn Quốc đang tiếp diễn mạnh mẽ, sẽ có thêm những cơ sở vệ tinh xuất hiện để khép kín chu trình hoạt động từ chế biến, sản xuất, lắp ráp và xuất khẩu sản phẩm. Các địa phương có dự án triển khai sẽ giải quyết được nhiều việc làm cho lao động, thêm nguồn thu ổn định đối với ngân sách…

Hàn Quốc hiện là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với gần 3.400 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 25,7 tỷ USD; đứng thứ 4 trong số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam. Về thương mại, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đã tăng rất nhanh, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên tới 20 tỷ USD trong năm 2012.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đón “sóng” đầu tư từ Hàn Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.