Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đơn điệu và kém hấp dẫn

Cao Ngọc| 18/07/2010 08:02

(HNM) - Hầu hết các công ty du lịch khi lập chương trình tour ở Hà Nội không thể bỏ qua rối nước. Song, một cuộc điều tra cho thấy không phải người nước ngoài nào cũng yêu thích loại hình biểu diễn này.

Theo anh Tiến Trung, hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Đại Việt Á Châu, đa số du khách hài lòng đánh giá cao tính nghệ thuật, sự độc đáo tài tình của rối nước - hình thức sân khấu duy nhất chỉ có ở Việt Nam. Nhưng đó là với các đoàn có sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp. Còn đối với các đoàn khác, sự bất đồng ngôn ngữ đã khiến cho rối nước không phải khi nào cũng được hoan nghênh. Chị Thùy Mai, cộng tác viên thường xuyên của các công ty lữ hành đón khách Nhật cho biết, người Nhật ban đầu cũng tò mò về rối nước vì Nhật không có, nhưng qua quan sát cá nhân, chị cho rằng với không ít du khách Nhật, rối nước không thú vị lắm và hơi… buồn ngủ. Họ chỉ thực sự thán phục các nghệ sĩ đã lao động vất vả ra sao dưới nước mà thôi.

Nhà hát múa rối nước Thăng Long biểu diễn phục vụ du khách quốc tế. Ảnh: Công Hoan


Không ít người từng mừng hụt khi chương trình này, chương trình kia ra mắt được báo chí tung hô, quảng cáo những tưởng từ nay khách du lịch nước ngoài có thêm được sự lựa chọn. Những chương trình của Nhà hát Tuổi Trẻ như Perform to the word 1, vận dụng được rất nhiều và đa dạng các hình thức nghệ thuật dân gian hay Perform to the word 2 với các tiểu phẩm hài diễn bằng tiếng Anh. Đứng về mặt nghệ thuật, đại diện của Công ty Maya Việt cho rằng, Nhà hát đã đầu tư rất mạnh, các nghệ sĩ rất hào hứng… Vậy nhưng lịch biểu diễn định kỳ đã không được duy trì. Phía Nhà hát cho biết, điều này cần phải chờ đầu ra là các đơn vị du lịch chấp nhận và đưa vào tour. Song phía đơn vị cùng tổ chức trả lời vẫn là cần đầu tư hơn nữa để nâng cao chất lượng và quảng bá, tiếp thị phải làm mạnh hơn. Mấy năm gần đây, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã rất cố gắng để duy trì chương trình thường xuyên cho du khách 2 buổi một tuần tại rạp Hồng Hà. Các nghệ sĩ thì hết lòng, còn Nhà hát sẵn sàng thay đổi thời gian biểu diễn trong ngày cho phù hợp với du khách, nhưng có buổi diễn nghệ sĩ nhiều hơn khán giả. Gần đây, Nhà hát Chèo Hà Nội, một đơn vị nghệ thuật được đánh giá là năng động đã và đang chuẩn bị ra mắt chương trình nghệ thuật cho du khách.

Từng thành công với mô hình hoạt động gọn nhẹ ở địa điểm 15 Nguyễn Đình Chiểu hay tại đền Ngọc Sơn, nay Giám đốc, NSƯT Thúy Mùi vốn quyết đoán và năng nổ đang thuyết phục đơn vị chủ quản đưa âm hưởng không khí lễ hội vào chương trình. Bà Mùi cho rằng, lễ hội làng ở Bắc bộ không thể thiếu chèo, vì thế đưa lễ hội vào chèo cũng sẽ rất ngọt ngào. Để làm phong phú thêm cho chương trình, Nhà hát cũng sử dụng các làn điệu hát xẩm, ca trù, hát đối, hát lót… đem đến cảm giác mới, không khí mới cho nghệ thuật chèo truyền thống. Trả lời câu hỏi, làm gì để đưa chương trình đến được với du khách, bà Mùi cho biết: thứ nhất phải duy trì được lịch diễn, thứ hai phải đi sâu tiếp thị với các đơn vị lữ hành du lịch, áp dụng các biện pháp khuyến mãi thích hợp và tận dụng nhiều mối quan hệ. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng chương trình còn phải lắng nghe những đóng góp từ phía các đơn vị du lịch để đáp ứng đúng thị hiếu du khách. Bà Mùi tự tin có thể tạo được một sản phẩm văn hóa đặc trưng riêng có của Việt Nam và mang phong cách lịch lãm, sang trọng của chèo Hà Nội. Mong muốn và quyết tâm là vậy nhưng vẫn còn phải chờ xem phản ứng của du khách thế nào.

Vì sao văn hóa dân gian Việt Nam phong phú và đa dạng nhưng lại không có chương trình thu hút khách nước ngoài? Thứ nhất phải kể đến thiếu sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch và nghệ thuật. Ngành du lịch chỉ thích khai thác nhưng văn hóa sẵn có mà không muốn đầu tư tiền để làm ra sản phẩm du lịch đậm đà văn hóa Việt Nam và lạ lẫm với du khách quốc tế. Thứ hai là các đơn vị nghệ thuật quá tin vào thứ mình có là độc đáo mà không tính đến thẩm mỹ khán giả nước ngoài. Khi sản phẩm nghệ thuật còn đơn điệu và hai bên chưa có sự hợp tác chặt chẽ với nhau thì…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đơn điệu và kém hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.