(HNM) - Tiếp theo cú tăng "khủng" về giá gas, các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm đã "bám" theo ngay và dự báo sẽ "phi mã" theo sự tăng giá của xăng từ ngày 7-3 mới đây. Riêng với mặt hàng thịt, đến thời điểm này đã có thể thấy khả năng tăng giá mạnh trong thời gian tới, khi mà dịch cúm gia cầm, dịch bệnh trên gia súc chưa thấy dấu hiệu suy giảm.
Đón đầu làn sóng tăng giá, suốt từ đầu tháng đến nay, tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, nhiều mặt hàng phục vụ đời sống hàng ngày đã âm thầm tăng giá. Gà ta nguyên con tăng từ 85.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg, thậm chí còn cao hơn tùy loại và trọng lượng. Các loại rau, cá, kể cả gạo cũng tăng đáng kể. Thịt lợn, thịt bò đứng ở mức cao cả tuần vừa rồi và hứa hẹn sẽ tiếp tục có khả năng tăng giá trong vài ngày tới... Tức là trăm cái khó đều đổ lên đầu người tiêu dùng!
Người tiêu dùng đang phải vật lộn với cơn bão giá. Ảnh: Huyền Linh |
Trớ trêu là trong khi nông dân ở các huyện ngoại thành, thậm chí là ở các vùng rau, thực phẩm của thành phố đang lao đao vì giá rau rẻ, giá thịt, trứng thấp thì người tiêu dùng trực tiếp lại đang phải chi giá cao một cách vô lý để lo cho bữa cơm hằng ngày. Nguyên nhân vì quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng, nhiều loại thực phẩm bị nâng giá quá mức bởi các khâu trung gian. Thu nhập chính đáng của người sản xuất đang bị người buôn chiếm đoạt một cách "hợp pháp". Người tiêu dùng thì quá biết rằng thứ mình mua có giá đắt gấp nhiều lần giá bán của người trồng rau, chăn nuôi song không mua thì lấy gì để ăn. Sự vô lý này diễn ra đã lâu song không thấy cơ quan chức năng can thiệp.
Tại xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ), một trong những địa chỉ cung cấp rau xanh cho thị trường thành phố Hà Nội, nhiều loại rau củ từ nhiều ngày qua đang rớt giá thảm hại. Chị Trần Thị Lợi, một xã viên cho biết, trồng tới gần hai sào bắp cải, nhưng hiện "đổ" buôn cho các đầu nậu tại ruộng chỉ có 1.000 đồng/kg. Người buôn bán lại cho tiểu thương chợ đầu mối với giá 1.500-2.000 đồng/kg. Tiểu thương chợ đầu mối bán cho những người bán lẻ tại các chợ ở nội thành 2.500-3.000 đồng/kg. Đến tay người tiêu dùng là 3.500-4.000 đồng/kg, tức cao gấp 3-4 lần giá mua tại ruộng.
Đây chỉ là một ví dụ vì ngoài bắp cải, nhiều người trồng rau muống, su hào, cà chua và một số loại rau khác cũng đang phải cắn răng bán theo kiểu "được đồng nào hay đồng nấy", ít cũng hơn không vì đã đầu tư, bỏ công sức ra… Một số loại sản phẩm chăn nuôi cũng đang ở tình trạng tương tự khi giá bán tại trang trại, hộ gia đình và tại chợ có mức chênh lệch quá lớn. Hơn một tháng nay, một số trại nuôi gà đẻ trứng của các hộ gia đình tại huyện Chương Mỹ rơi vào cảnh lỗ nặng do giá trứng luôn ở mức thấp hơn giá thành. Theo tính toán, với giá thức ăn chăn nuôi hiện nay, giá thành trứng tại các trại lên tới 1.250-1.300 đồng/quả, thậm chí những trại quy mô nhỏ có giá thành tới 1.350 đồng/quả. Trong khi đó, giá trứng gà bán tại các trại chỉ ở mức 1.000-1.200 đồng/quả tùy loại. Còn giá trứng bán lẻ đến tay người tiêu dùng lại cao từ gấp rưỡi đến gấp đôi, hiện phổ biến từ 1.950-2.000 đồng/quả. Tại các chợ bán lẻ, mức chênh lệch này còn cao hơn, từ 2.200-2.500 đồng/quả, cao gấp đôi so với giá gốc…
Việc người bán buôn đang toàn quyền định đoạt giá bán sản phẩm của người trồng trọt, chăn nuôi và người bán lẻ quyết định giá bán cho người tiêu dùng đang là một nghịch lý hiện nay. Với người kinh doanh, bất kể là bán buôn hay bán lẻ, hàng hóa kiểu gì cũng tiêu thụ hết vì thị trường quá bao la, "cung" lại chưa đáp ứng "cầu" và "tiền nào của nấy", hàng hóa kiểu gì cũng bán được. Chỉ có người tiêu dùng là thiệt đơn thiệt kép bởi đồng tiền kiếm được đã khó, bỏ ra lại không mang về được hàng hóa tương xứng, mang tiếng "thượng đế" mà không có một tý quyền nào.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, lạm phát tháng 2 vừa qua tăng 1,37% là mức tăng chấp nhận được, song tháng 3 này mới thực sự đáng lo ngại khi giá xăng tăng thêm tới 2.100 đồng/lít (22.900 đồng/lít). Vừa qua Nhà nước đã dùng công cụ thuế để can thiệp vào giá cả (như đối với gas) và tỏ ra có hiệu quả nhất định. Song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi quan trọng nhất vẫn phải là tổ chức lại hệ thống phân phối minh bạch và bớt khâu trung gian, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm về giá bán. Việc này đã được nói đến rất nhiều, từ bộ, ngành đến chính quyền địa phương và cơ quan có trách nhiệm các cấp, song chỉ là nói cho có mà không thấy có một động thái quyết liệt, hiệu quả nào. Rõ ràng là, một khi giá cả hàng hóa thị trường không được kiểm soát, người tiêu dùng còn lao đao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.