Đội tuyển lặn Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi giành ngôi Nhất toàn đoàn tại Giải Lặn vô địch châu Á 2023 vừa kết thúc tại Thái Lan. Đây là kết quả đáng khích lệ với bộ môn lặn ở Việt Nam và là cơ sở cho các nhà quản lý bộ môn tự tin đầu tư đường dài vào lứa vận động viên trẻ, chuẩn bị cho những đấu trường quốc tế trong tương lai.
Dấu mốc mới
Đội tuyển lặn Việt Nam kết thúc thi đấu tại Giải Lặn vô địch châu Á 2023, diễn ra từ ngày 25 đến 29-11, với 19 Huy chương vàng, 19 Huy chương bạc và 14 Huy chương đồng, xếp Nhất toàn đoàn. Đáng chú ý, ở những ngày cuối tranh tài, ban huấn luyện đội tuyển lặn Việt Nam ghi nhận một số Huy chương vàng có thông số chuyên môn tốt như: Đỗ Đình Toàn, Phạm Lê Minh Phúc, Lưu Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Trọng Dũng ở nội dung tiếp sức 4x200m vòi hơi chân vịt nam (thành tích 5’46”43); Nguyễn Nhật Lê Nguyên, Phạm Thị Thu, Nguyễn Thị Hằng, Đặng Thị Vương nội dung tiếp sức 4x200m vòi hơi chân vịt nữ (6’23”75).
Ngoài ra các kết quả vô địch còn ở thành tích của Vũ Đặng Nhật Nam (400m chân vịt đôi cá nhân nam) với kết quả 3’32”49. Thông số của Vũ Đặng Nhật Nam đã phá kỷ lục châu Á do chính mình nắm giữ trước đó là 3’34”49. Đây cũng là kỷ lục châu Á duy nhất mà đội tuyển lặn Việt Nam có được lần này.
Đối với thi đấu lứa tuổi vô địch trẻ, Ban huấn luyện ghi nhận các thông số tích cực ở kết quả vô địch của Nguyễn Khang Dũng, Phạm Thành Đại, Lê Khương Duy, Đặng Phú Quốc trong nội dung tiếp sức 4x200m vòi hơi chân vịt nam (5’53”74); Huy chương vàng tiếp sức 4x200m vòi hơi chân vịt nữ trẻ (Nguyễn Tú Anh, Nguyễn Trần San San, Phạm Thị Thủy Sương, Đặng Thị Vương); Đặng Thị Vương (50m vòi hơi chân vịt nữ); Nguyễn Lê Truyền Đạt (400m chân vịt đôi nam)...
Phụ trách bộ môn lặn (Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Ngọc Anh cho biết, tại Giải Lặn vô địch châu Á 2023, đội tuyển lặn Việt Nam tham dự với 41 tuyển thủ. Ở nhóm vô địch, đội tuyển Việt Nam giành 5 Huy chương vàng, còn nhóm vô địch trẻ, Việt Nam giành 14 Huy chương vàng. Đây là thành tích tương xứng với sự đầu tư cho đội tuyển trong thời gian qua của Cục Thể dục Thể thao cũng như các địa phương.
Huấn luyện viên trưởng đội tuyển lặn Việt Nam Nguyễn Đông Hải nhận định, đây được xem là giải đấu thành công đối với các vận động viên trẻ. Đáng chú ý là các vận động viên nòng cốt của đội tuyển lặn Việt Nam là Đặng Thị Vương (17 tuổi) và Vũ Đặng Nhật Nam (18 tuổi) vừa phá kỷ lục châu Á. Qua thành tích này, ban huấn luyện tự tin hướng đến các đấu trường quốc tế những năm tiếp theo.
Giải bài toán về kinh phí
Theo chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh, thành tích thi đấu của các vận động viên đội tuyển lặn Việt Nam tại Giải Lặn vô địch châu Á 2023 cho thấy, tiềm năng của bộ môn này là rất lớn. Thành tích đó có công lớn của đội ngũ huấn luyện viên các địa phương. Tuy nhiên, để bộ môn lặn phát triển bền vững và tiến xa hơn trên các đấu trường quốc tế, các nhà quản lý phải giải được bài toán về kinh phí đưa các vận động viên đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài, nâng tầm về chuyên môn.
Phụ trách bộ môn lặn (Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Ngọc Anh cho hay, với việc là môn thể thao ở nhóm 3, không có trong hệ thống thi đấu của ASIAD hay Olympic nên đội tuyển lặn quốc gia thường không tập trung theo chu kỳ dài, mà phụ thuộc vào giải đấu. Với việc Liên đoàn Lặn Đông Nam Á sẽ được thành lập vào năm sau, hy vọng, môn lặn Việt Nam sẽ được thi đấu quốc tế nhiều hơn. Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho các vận động viên đi thi đấu tập huấn ở nước ngoài còn hạn chế. Ngay tại Giải Lặn vô địch châu Á vừa qua, nhiều vận động viên cũng đi bằng nguồn kinh phí địa phương. Nếu các vận động viên thường xuyên được thi đấu quốc tế thì thành tích chắc chắn tốt hơn.
Huấn luyện viên trưởng đội tuyển lặn Việt Nam Nguyễn Đông Hải cho hay, khó nhất đối với môn lặn là trang thiết bị, dụng cụ, bể bơi đạt chuẩn thi đấu. Hiện rất ít các tỉnh, thành có bể bơi đạt chuẩn để phục vụ tập luyện môn lặn, ảnh hưởng rất nhiều đến thông số thành tích của vận động viên…
Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 2 (Cục Thể dục thể thao) Ngô Ích Quân cho hay, hiện hệ thống giải thi đấu lặn trong nước là 6 giải trong 1 năm. Nhằm hướng đến phát triển bền vững cũng như vươn tới những mục tiêu cao hơn, Cục sẽ phối hợp với các địa phương tìm nguồn kinh phí, tổ chức thêm các giải đấu, giúp vận động viên có thêm cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, bộ môn lặn ở các địa phương cần chủ động phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo trong công tác tuyển chọn, phát hiện những tài năng thông qua các giải thể thao học đường để có thêm lực lượng vận động viên bổ sung cho các cấp độ đội tuyển quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.