Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam: Cần nhiều điều kiện để nâng tầm

Minh An| 11/09/2020 09:16

(HNMCT) - Trong tháng 9 này, dự kiến đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia sẽ đón chuyên gia người Trung Quốc Li Huannin. Tuy việc thuê huấn luyện viên ngoại là bước đi quan trọng trong việc nâng tầm đội tuyển, nhưng rõ ràng là bóng chuyền Việt Nam cần thêm nhiều điều kiện khác để hiện thực hóa tham vọng.

Để nâng thành tích đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam thì trông vào chuyên gia ngoại là chưa đủ.

Từ “cú ngã” SEA Games 30

Đến lúc này, nếu lấy thành tích tại SEA Games 30 - năm 2019 làm thước đo vị trí các đội tuyển bóng chuyền nam tại khu vực Đông Nam Á thì đội tuyển Việt Nam đang ở ngoài nhóm 4 đội dẫn đầu. Đó là vị trí khó chấp nhận bởi Việt Nam có truyền thống về bóng chuyền và môn thể thao này được nhiều người dân quan tâm, cổ vũ, tập luyện. Tại SEA Games 30, đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Thái Quang Lai bị loại cay đắng ngay từ vòng bảng sau 3 trận toàn thua. Trong đó, “điểm nhấn tủi hổ” là thất bại 2-3 trước Campuchia, đội bóng luôn ở “chiếu dưới” so với Việt Nam trong nhiều năm qua.

Thất bại ở SEA Games 30 giáng một đòn mạnh vào quan điểm của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam về việc ưu tiên sử dụng huấn luyện viên nội để cạnh tranh ngôi vô địch bóng chuyền nam trong khu vực Đông Nam Á. Theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn, đã có lúc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam chấp nhận trả khoảng 60 - 80 triệu đồng/ tháng cho huấn luyện viên nội dám nhận trách nhiệm dẫn dắt đội tuyển bóng chuyền nam đến ngôi vô địch SEA Games, nhưng không có ai nhận đương đầu với thử thách này.

Sau SEA Games 30, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã dứt khoát chọn huấn luyện ngoại cho đội tuyển bóng chuyền nam. Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường, sau khi cân nhắc, Liên đoàn đã chọn huấn luyện viên Trung Quốc với hy vọng có cách huấn luyện phù hợp với người Việt Nam. Chuyên gia Li Huannin được mời với một bản hợp đồng dài hạn, nhẽ ra sang Việt Nam từ tháng 5-2020 nhưng do dịch Covid-19 nên gần đây Tổng cục Thể dục thể thao mới hoàn tất thủ tục để đưa ông sang vào tháng 9.

Chỉ có chuyên gia ngoại là không đủ

Sự xuất hiện của chuyên gia Li Huannin được dự báo mang lại hiệu ứng tích cực. Nhưng dù kỳ vọng đến mấy thì người trong cuộc cũng hiểu rằng, bóng chuyền nam Việt Nam cần có thêm trợ lực khác. Hiện tại, các đội dự Giải vô địch quốc gia không được thuê cầu thủ ngoại, đội tuyển quốc gia ít được thi đấu quốc tế cũng như ít được tập trung huấn luyện (có khi 2 năm mới tập trung một lần), điều đó ảnh hưởng đến sức mạnh của đội tuyển.

Thực tế, trước năm 2014, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam từng cho phép các CLB thuê cầu thủ ngoại. Tuy nhiên, do nhiều CLB chỉ lo tìm ngoại binh, không quan tâm tới công tác đào tạo trẻ nên Liên đoàn buộc phải thu hồi quyết định cho phép các đội thuê cầu thủ ngoại.

Vắng bóng ngoại binh, các cầu thủ nội thiếu cơ hội được cọ xát với những cầu thủ ngoại có đẳng cấp cao hơn. Ông Bùi Đình Lợi (Phụ trách môn Bóng chuyền, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) nhận định, vận động viên bóng chuyền Việt Nam hiện nay thiếu cơ hội “va đập” với các vận động viên nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh, kinh nghiệm.

Gần đây, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đang hướng tới sự thay đổi mang tính đồng bộ để có được một đội tuyển quốc gia thực sự mạnh, trong đó có vấn đề về vận động viên nước ngoài. Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường từng đề cập đến việc cho mỗi đội bóng được thuê 1 cầu thủ ngoại trong thời gian tới.

Ngoài ra, như chia sẻ của ông Bùi Đình Lợi, hệ thống thi đấu quốc gia cần có thêm nhiều giải đấu cho các đội nam. Đồng thời, đội tuyển nam cần được tập trung nhiều đợt hơn, được tập trung dài hơn và được thi đấu quốc tế nhiều hơn thay vì chỉ dự 1 - 2 giải/ năm như thời gian qua...

Rõ ràng, sự xuất hiện của chuyên gia ngoại là cần thiết nhưng để có một đội tuyển mạnh tham dự SEA Games 31 - năm 2021 (diễn ra tại Việt Nam), chúng ta cần có bước chuyển mạnh mẽ về đào tạo, huấn luyện, cách thức vận hành các giải đấu ở trong nước... Chỉ có như thế mới hy vọng về một đội tuyển bóng chuyền nam mạnh bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam: Cần nhiều điều kiện để nâng tầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.