Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối thủ của Tổng thống B.Obama lộ diện

Thùy Dương| 27/04/2012 06:28

(HNM) - Đường đua tới Nhà Trắng như đang rộng mở hơn với cựu Thống đốc Mitt Romney khi ngày 25-4, cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich - ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của đảng Cộng hòa - thông báo vào tuần tới sẽ chấm dứt nỗ lực chạy đua giành chiếc ghế Tổng thống Mỹ cuối năm nay.

Quyết định bỏ cuộc đua tranh ghế Tổng thống cuối năm nay của Chủ tịch Hạ viện N. Gingrich đã tạo thêm cơ hội cho ông M.Romney.

Ông M.Romney cũng đã giành chiến thắng trong cả 5 cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại bang New York, Pennsylvania, Delaware, Rhode Island và Connecticut ngày 24-4. Với các chiến thắng này, ông M. Romney đã nâng tổng số suất ghế đại biểu nhận được lên khoảng 800, cách đích tối thiểu 1.144, không quá xa trong khi vẫn còn hơn 10 cuộc bầu cử sơ bộ nữa. Thắng lớn cộng với không còn đối thủ ngang tài ngang sức, ông M. Romney rõ ràng đang lại gần hơn tấm vé đại diện chính thức của đảng Cộng hòa để bước vào cuộc giành giật chiếc ghế ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng vào ngày 6-11 tới. Phát biểu vận động tranh cử tại bang New Hampshire, ông M.Romney khẳng định ngày 24-4 là bước ngoặt cho phép ông bước ngay vào cuộc đấu trực tiếp với đối thủ đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, có thể phải đến cuối tháng 5, ông M.Romney mới giành đủ số ghế đại biểu theo quy định để được đề cử làm ứng cử viên chính thức tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa vào cuối tháng 8 tới. Nhưng, hiện tại sứ mệnh quan trọng nhất với ông M.Romney không còn là giành thêm các suất ghế đại biểu mà là lựa chọn một chính khách đủ tầm để làm liên danh ghế phó tổng thống.

Quyết định bỏ cuộc của ông N.Gingrich không khiến dư luận bất ngờ bởi cho tới ngày 25-4, khi vòng bầu cử sơ bộ đã vào giai đoạn cuối cùng, cựu Chủ tịch Hạ viện 69 tuổi này mới giành chiến thắng tại hai bang và chỉ sở hữu 141 suất ghế đại biểu trong khi phải cần tối thiểu 1.144 suất như luật định để có thể được đề cử làm ứng cử viên chính thức của đảng Cộng hòa. Một khó khăn nữa với ông N.Gingrich là kinh phí tranh cử, yếu tố quan trọng nếu không muốn nói là khâu "đầu tiên" quyết định trong mọi cuộc bầu cử ở Mỹ. Hơn một năm qua kể từ tháng 3-2011 khi chính thức thông báo ra tranh cử tổng thống, ông N.Gingrich đã chi tổng cộng 21 triệu USD (chưa bằng 1/3 khoản tiền 76,6 triệu USD mà triệu phú M.Romney đã tung ra) nhưng lại đang mang nợ tới 4,3 triệu USD. Trong khi đó, tổng tài sản của ông M. Romney vào khoảng 250 triệu USD, cao gấp 50 lần tổng tài sản của Tổng thống đương nhiệm B.Obama. Thậm chí, tài sản của 7 vị Tổng thống Mỹ trước đó cộng lại cũng không bằng tài sản của ông M.Romney. Dẫu vậy, ông M.Romney cần phải có một sách lược đủ thuyết phục khi đối đầu với Tổng thống B.Obama đang tiếp tục vượt lên về uy tín trong dân chúng và không dừng tìm kiếm những lá phiếu của giới sinh viên và cử tri trẻ, những người đã giúp ông giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2008.

Hai ngày qua, ông B.Obama đã tới thăm và có các bài diễn thuyết tại 3 trường: Đại học North Carolina, Đại học Colorado và Đại học Lowa. Trước các sinh viên, chủ đề thu hút cử tri của ông B. Obama là hối thúc Quốc hội thông qua dự luật tiếp tục hạ lãi suất cho vay để giảm nhẹ gánh nặng cho sinh viên. Một tin vui với Tổng thống đương nhiệm B.Obama là trong ngày 24-4, tờ NBC News và Wall Street Journal công bố kết quả thăm dò cho biết, trong số 3.096 cử tri trẻ, độ tuổi từ 18 đến 34, có 43% khẳng định sẽ bỏ phiếu bầu ông B.Obama thêm nhiệm kỳ thứ hai so với 26% ủng hộ ông M.Romney. Có thể thấy, Tổng thống B.Obama có vẻ như nắm phần thắng trước tình hình kinh tế đang khởi sắc hơn. Số người thất nghiệp giảm (8,3%), tổng sản lượng quốc gia gia tăng, hàng hóa bán chạy, khách hàng và người tiêu thụ tự tin hơn và thị trường chứng khoán tăng...

Với tình hình nước Mỹ hiện nay, ông chủ thứ 44 của Nhà Trắng có thể tuyên bố đã ngăn được cuộc khủng hoảng lớn trở thành cuộc đại suy thoái. Các nhà sản xuất ô tô của Detroit đã được giải cứu và hoạt động của hệ thống ngân hàng đã ổn định hơn. Nếu ông Obama không mạnh tay dùng hàng tỷ USD để kích thích nền kinh tế đang trì trệ, thậm chí nhiều người Mỹ sẽ mất việc hơn. Cùng những khởi sắc về kinh tế và những ưu tiên về an sinh xã hội, vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden chưa hết dư âm đã phá vỡ quan niệm vốn cho rằng đảng Dân chủ thường mềm mỏng về an ninh quốc gia. Nhưng vào lúc này, không ai dám khẳng định đương kim Tổng thống B.Obama dễ dàng tái đắc cử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đối thủ của Tổng thống B.Obama lộ diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.