Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối thoại với di sản bằng ngôn ngữ đương đại

Đăng Khoa| 30/10/2022 05:41

(HNMCT) - Diễn ra trong 1 tháng (từ ngày 8-10 đến 8-11), phần trưng bày “Bia đá kể chuyện” với chủ đề “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” tại tiền đường Nhà Thái học, Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Không còn là những nhân chứng lịch sử “thầm lặng”, những tấm bia tiến sĩ đã “dốc bầu tâm sự” với khách tham quan về chuyện khoa cử và sử dụng hiền tài của cha ông.

Ông Trương Quốc Toàn (ngoài cùng bên trái) thuyết minh cho du khách tham quan về nội dung trưng bày.

“Kể chuyện” theo cách mới 

Những ngày mùa thu tháng 10 nắng vàng như mật, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón lượng lớn khách tham quan. Từng tốp mái đầu bạc với mái đầu xanh cùng nhau bàn luận về những vấn đề liên quan đến bia tiến sĩ, tạo nên một “bầu không khí học thức” bao trùm lên khắp không gian của nơi được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Triển lãm “Bia đá kể chuyện” trưng bày 14/82 bia tiến sĩ được thể hiện thành 4 cụm thông tin theo các chủ đề, lần lượt là “Chiêu mộ hiền tài”, “Con đường khoa cử”, “Gương sáng tiền nhân”, “Lưu danh muôn thuở”. Mỗi chủ đề gồm 4 pano và ưu tiên tối đa cách thể hiện bằng các biểu tượng hình ảnh để mỗi pano trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự trong mắt khách tham quan.

Cùng với ngôn ngữ tiếng Việt, phần trưng bày này còn được thể hiện bằng tiếng Anh. Người vui mừng và bận rộn nhất có lẽ là ông Trương Quốc Toàn, Trợ lý Giám đốc Cơ quan hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam), người xây dựng ý tưởng và trực tiếp chỉ đạo thiết kế trưng bày “Bia đá kể chuyện”.

Theo ông Trương Quốc Toàn, từ năm 1442 - 1779 có 82 khoa thi được lập bia, những tấm bia này còn tồn tại cho đến ngày nay. Một số khoa thi không được lập bia, một số khoa thi được lập bia nhưng đã thất lạc, có 1.304 vị tiến sĩ được lưu danh trên bia. Tuy nhiên, những tấm bia này mới chỉ mang đến cho khách tham quan sự cảm nhận về hình dáng bề ngoài, còn nội dung thông tin chứa đựng trong từng bài văn bia chưa thực sự đến được với đông đảo du khách. Hơn nữa, phần lớn hướng dẫn viên du lịch cũng chỉ giới thiệu những thông tin khá chung chung rằng đây là những tấm bia tôn vinh tên tuổi và quê quán của những người đã thi đỗ qua các kỳ thi Nho học thời phong kiến. Thực tế đó đã thôi thúc ông tìm kiếm một cách tiếp cận có tính đột phá để bia đá “kể chuyện”.

Nhớ lại lúc lên ý tưởng thực hiện trưng bày này, ông Trương Quốc Toàn chia sẻ, thách thức đầu tiên là phải thể hiện thông tin, dữ liệu di sản theo ngôn ngữ đương đại có tính hấp dẫn, đặc biệt là với giới trẻ. Nếu chỉ đơn thuần thiết kế những pano có nội dung văn bia đã được dịch từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, chắc chắn khách tham quan sẽ không đủ kiên nhẫn để đọc.

“Đối tượng tiếp nhận mà tôi hướng tới là những người trẻ, vì vậy, tôi sử dụng ngôn ngữ hình ảnh dạng infographics - một cách thức được ưa chuộng trên các phương tiện truyền thông hiện nay. Tôi chọn lọc thông tin để tránh sự trùng lặp với nội dung của các bài văn bia và để khách tham quan thấy được bức tranh toàn cảnh về chế độ khoa cử thời xưa. Bên cạnh đó, việc thể hiện thông tin cũng cần cô đọng để giúp khách tham quan có thể “đọc nhanh” nội dung của những tấm bia này” - ông Toàn nhấn mạnh.

Cuộc thử nghiệm thành công

Theo ông Trương Quốc Toàn, việc sử dụng ngôn ngữ đồ họa infographics tại triển lãm này thực sự là cuộc thử nghiệm thành công về cách tiếp cận mới theo hướng đối thoại với di sản bằng ngôn ngữ đương đại. Những thông điệp được truyền đi qua ngôn ngữ hình ảnh đã tạo hứng thú cho khách tham quan. Với cách tiếp cận này, hình ảnh của các di sản và tư liệu lịch sử sẽ không còn bị bó hẹp trong khuôn khổ của những bức ảnh hay những mộc bản với vẻ bề ngoài đơn điệu. Đây là hướng đi mới giúp các điểm di tích đa dạng hóa trải nghiệm văn hóa dành cho khách tham quan chứ không đơn thuần khai thác, phát huy giá trị di tích theo lối mòn là mở cửa bán vé tham quan những gì có sẵn. 

Có mặt tại triển lãm, PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, vô cùng ấn tượng với cách làm này. Ông nhấn mạnh: “Đây là phương pháp tiếp cận di sản rất mới, rất sáng tạo vì xưa nay chúng ta chỉ mới tiếp cận với di sản gốc theo phương pháp sờ tận tay. Cách sáng tạo này sẽ đưa truyền thống Nho học Việt Nam đi khắp cả nước mà không tốn kém. Hơn nữa, thông tin trên bia đá trong phần trưng bày rất cô đọng, súc tích, do một ê kíp gồm những họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế sáng tạo nên rất bắt mắt, gần gũi, thân thiện với người xem. Thông qua cách tiếp cận này, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành không gian sáng tạo đặc biệt giữa lòng Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến”.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) chia sẻ, ông vô cùng ấn tượng với cách “kể chuyện” của bia đá. “Đây có lẽ là lần đầu tiên bia đá “kể chuyện” bằng ngôn ngữ đương đại. Người ta thường nói: “Trăm năm bia đá cũng mòn”, nhưng nếu được trình bày theo cách này thì bia đá có chăng chỉ “mòn” về vật chất, chứ tinh thần thì không “mòn”. Tinh thần ở đây được hiểu là nội dung, nghệ thuật, lịch sử được phản ánh qua bia đá. Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với triển lãm ở sự tổng kết, để bia đá tự “kể” câu chuyện của mình, như việc tại sao trong 5 kỳ thi không có bia đá tiến sĩ, hay chỗ nào được đục đi... Triển lãm cho thấy, có những gia đình có 5 đời hay có gia đình có 4 - 5 anh em đều đỗ đạt. Đó là tính truyền thống và càng làm rõ thêm vì sao UNESCO ghi danh 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê sơ - Mạc - Lê Trung hưng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào Danh mục Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ triển lãm, dễ thấy không chỉ có con vua quan mà có cả con nhà nông cũng đỗ tiến sĩ. Điều đó nói lên một nền giáo dục bình đẳng, đại chúng, minh bạch, công bằng. Câu chuyện của bia đá đã được “kể” lại một cách mới mẻ, sống động, để mỗi người cảm nhận rõ hơn về lịch sử của dân tộc” - ông Chức khẳng định.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhấn mạnh: “Những bia tiến sĩ còn lại sẽ tiếp tục được giới thiệu đến khách tham quan trong những cuộc trưng bày sau này. Mỗi lần tổ chức triển lãm, chúng tôi sẽ xuất bản một cuốn sách và số hóa thông tin để sau này du khách có thể tiếp cận dù triển lãm đã kết thúc. Đây là bước thí điểm về công nghệ khi du khách sử dụng mã QR để truy cập thông tin. Trong không gian Khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám có mạng wifi miễn phí nên du khách có thể dễ dàng sử dụng để tiếp cận thông tin triển lãm”.

Việc làm mới những giá trị di sản lâu đời bằng công nghệ đang trở thành điều tất yếu trong xã hội thời kỳ 4.0. Đó chính là hướng đi cần được nhân rộng, phát huy để “kéo” du khách, nhất là giới trẻ đến với di sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối thoại với di sản bằng ngôn ngữ đương đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.