Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối tác chiến lược trong thế kỷ XXI

Trung Hiếu| 09/11/2010 06:43

(HNM) - Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa kết thúc chuyến thăm Ấn Độ - một chuyến công du được cả Nhà Trắng và New Delhi trù liệu trong nhiều tháng qua.

Ưu tiên của người đứng đầu nước Mỹ trong chuyến thăm 3 ngày tới xứ sở của Phật giáo (từ ngày 6 đến 8-11) là tập trung thúc đẩy quan hệ kinh tế và các hiệp định thương mại về vũ khí và thiết bị hạt nhân nhằm giúp khôi phục nền kinh tế đang suy thoái của Mỹ hiện nay; đồng thời thuyết phục Ấn Độ mở cửa hơn nữa với thị trường hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Chuyến công du nước ngoài dài ngày nhất của người đứng đầu Nhà Trắng với chặng dừng đầu tiên tại Ấn Độ đã không chỉ khẳng định mối quan tâm châu Á của Washington mà còn xác định rõ quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn trong thế kỷ XXI.

Tổng thống Mỹ B.Obama và Thủ tướng Ấn Độ M.Singh kết thúc cuộc họp báo sau hội đàm tại thủ đô New Delhi. Ảnh: AP

Sự kiện Tổng thống B.Obama lấy Mumbai làm điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm và chọn khách sạn Taj Mahal Palace - trung tâm tài chính và thương mại của Ấn Độ tại Mumbai - để qua đêm khiến ông B.Obama trở thành vị khách cấp cao nhất của khách sạn này kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố vào ngày 26-11-2008, khiến 166 người thiệt mạng. Ngay lập tức, sự kiện này trở thành biểu tượng mới, siết chặt nỗ lực chung giữa Washington và New Delhi trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực.

Trước đó, cũng với vấn đề chống khủng bố, tuyên bố về tranh chấp ở Kashmir của ông B.Obama khi bước chân vào Nhà Trắng đã gây không ít sóng gió trong quan hệ giữa Washington và New Delhi. Thêm nữa, quan hệ giữa Mỹ với Pakistan và Trung Quốc trong thời gian qua đã tạo ra luồng dư luận tại New Delhi rằng giữa Ấn Độ và Mỹ đang tồn tại một khoảng trống chưa được lấp đầy. Vì vậy, phát biểu trước các sinh viên Trường St. Xavier ở Mumbai của Tổng thống B.Obama đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành, giúp xua tan khoảng cách từng tồn tại trong quan hệ hai nước bấy nay; đồng thời tạo dựng một niềm tin mới. Người đứng đầu nước Mỹ đã hối thúc Ấn Độ và Pakistan đàm phán để giải quyết các bất đồng và cho rằng, một Pakistan ổn định, thịnh vượng sẽ có lợi cho Ấn Độ; đồng thời kêu gọi Pakistan nỗ lực nhiều hơn nhằm chống lại những kẻ cực đoan.

Cùng với mục tiêu cải thiện mối quan hệ chính trị, chuyến thăm của Tổng thống B.Obama đã tạo đà cho quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển. Tại Mumbai, các doanh nghiệp của Mỹ và Ấn Độ đã ký nhiều hợp đồng thương mại trị giá lên tới 10 tỷ USD, trong đó có hợp đồng mua 30 máy bay Boeing 737 trị giá 7,7 tỷ USD giữa Hãng hàng không SpiceJet (Ấn Độ) với Công ty Boeing (Mỹ). Còn tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn - Mỹ với sự tham gia của hơn 400 tổng giám đốc điều hành (CEO) của hai nước do Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Ấn (USIBC) tổ chức tại thủ đô New Delhi, Tổng thống B.Obama khẳng định, Ấn Độ là một thị trường của tương lai. Chiều 8-11, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, ông B.Obama đã khẳng định, mối quan hệ giữa Washington và New Delhi sẽ là một trong những quan hệ đối tác định hình trong thế kỷ này. Tại cuộc họp báo sau đó, hai nhà lãnh đạo đã thông báo việc Ấn Độ và Mỹ đã quyết định "tăng cường sự sâu sắc của quan hệ hai nước như những đối tác bình đẳng trong mối quan hệ chiến lược"; nhất trí rằng bảo hộ mậu dịch là có hại cho cả hai nước và Washington sẽ mở rộng sự hợp tác với Ấn Độ về vũ trụ, dân sự cùng các vấn đề hạt nhân và quốc phòng…

Chuyến công du Ấn Độ của Tổng thống B.Obama vừa khép lại đã mang lại nhiều kết quả. Nó không những định hình quan hệ đối tác giữa hai bên trong thế kỷ XXI mà còn đưa quan hệ hai nước đi vào ổn định, tạo đà thúc đẩy sự hợp tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Thắt chặt quan hệ với Ấn Độ, Washington đã phát đi thông điệp đa hướng. Đó là sự khẳng định vị trí của Ấn Độ, một cường quốc "không thể thiếu" trên bàn cờ địa - chiến lược không chỉ tại Nam Á mà còn trên phạm vi toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực. Nhất là khi chủ nghĩa khủng bố đang có nguy cơ lan rộng tại Nam Á, nơi mà người đứng đầu Nhà Trắng đang đặt cược phần lớn sự nghiệp chính trị của mình tại đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối tác chiến lược trong thế kỷ XXI

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.