(HNMO) - Sáng đi làm, chiều ăn qua loa, tối lăn ra ngủ hoặc đi ca đêm... ngày ngủ đêm làm, cứ thế đè nặng lên người công nhân, khiến nhu cầu vui chơi, giải trí của họ gần như bị lãng quên!
|
Khu công nghiệp - “làng” thành thị
Tiết trời cuối xuân, Hà Nội trải nắng hanh vàng lấp loáng những chiếc lá vàng rơi trên các con phố. Mới nửa buổi sáng, nền nhiệt ngoài trời vẫn còn se lạnh nên chúng tôi hào hứng lên đường, đến khu công nghiệp Bắc Thăng Long ở ngoại thành Hà Nội và Yên Phong, giáp ranh thủ đô nơi nổi tiếng với làn điệu dân ca quan họ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
KCN Bắc Thăng Long nằm ở xã Kim Chung, Đông Anh Hà Nội. Đây là KCN do Liên doanh Công ty Sumitomo Corp.(Nhật Bản) và Công ty Cơ khí Đông Anh làm chủ đầu tư, cũng là khu công nghiệp có tiếng thơm ở đất Hà Thành. Còn KCN Yên Phong được đầu tư xây dựng từ năm 2005, hiện ở giai đoạn I, KCN đã đón gần 40 doanh nghiệp tới hoạt động trong đó có 18 doanh nghiệp đến từ Hàn quốc.
Các KCN thường là nơi thu hút rất đông lao động từ các tỉnh khác tới làm việc. Số nhân công lao động ngoài một phần đến từ địa phương, thì số còn lại đến từ khắp các tỉnh, thành ở miền Bắc... Từ Nghệ An, Thanh Hóa đến Thái Nguyên, Tuyên Quang, rồi Sơn La… Phần lớn các công nhân vì nhà xa, đi lại khó khăn và thực tế KCN cũng chưa thể đủ nhà cho công nhân thuê ở nên họ đã phải tự túc thuê trọ ngay trên địa bàn để tiện cho việc đi làm. Chính vì thế, nhiều người dân các vùng lân cận KCN đã tận dụng thời cơ mở thêm hàng loạt dịch vụ kèm theo khiến cuộc sống cuộc sống làng quê nơi đây thay đổi rất nhanh. Có thể nói rằng các xã nằm sát KCN đã thay đổi rất nhiều, nhà tầng, nhà kiên cố mọc lên san sát, đường làng được đổ bê tông đẹp khang trang như phố. Không những Đông Anh, huyện ngoại thành Hà Nội nằm trên trục đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài có điều kiện phát triển hơn mà ngay ở thôn Ấp Đồn, Yên Trung, Yên Phong cũng vậy.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng thôn Ấp Đồn cho chúng tôi biết: “Trước đây, Ấp Đồn chỉ là một thôn thuần nông, nhưng từ khi “công nghiệp về làng” đã kéo theo nhiều ngành kinh doanh dịch vụ phát triển, đặc biệt là dịch vụ cho thuê nhà trọ. Cả thôn chỉ có khoảng 1.600 nhân khẩu nhưng có tới gần 4.000 lao động từ các nơi khác đến đây cư trú. Bình quân mỗi nhà có khoảng vài ba phòng trọ cho thuê, nhà nhiều cũng có đến hàng chục phòng. Không những vậy nhiều hộ dân thôn Ấp Đồn đã biết kinh doanh đi buôn bán, chỉ cần buôn bán các mặt hàng cần thiết cho công nhân quanh làng cũng có thu nhập kha khá. Chúng tôi gặp bà Hương – chủ đầu tư một dãy nhà trọ trên mảnh đất vườn nhà cho biết, trước đây bà phải vất vả buôn bán chè, thuốc từ trên Thái Nguyên, Tuyên Quang về bán kiếm lãi. Khi đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê mỗi tháng cũng có thể thu về 15 đến 20 triệu đồng. Căn nhà bề thế bây giờ với tiện nghi khá đầy đủ là nhờ vào dịch vụ cho công nhân thuê nhà trọ. Trước đây, chúng tôi cũng chẳng có gì đâu, nhà cửa đơn sơ, vườn tược xơ xác chỉ để nuôi vài con lợn, con gà thả rông thôi. Giờ đây đất vườn đều được tận dụng để xây nhà trọ cho thuê. Mỗi phòng trọ chỉ chừng 8 đến 15m2, lợp ngói phiroximăng có thể cho thuê 600 ngàn đồng/tháng. Còn ông Trần Văn Vình, chủ của gần 30 căn phòng trọ cho biết, hầu hết các hộ trong thôn đều có nhà trọ cho thuê, nhà nào ít nhất cũng tới 10 phòng trọ và nhiều nhất có tới 50 phòng. Chị Quý, hàng xóm của bà Hương lại có cách kinh doanh khác. Cũng cho thuê nhà, nhưng chị còn mở thêm cả nhà hàng karaoke. “Đầu tư bộ dàn cũng không đắt, cửa hàng cũng chẳng phải đẹp lắm, giá phải chăng nên ngày nào cũng có khách”. Kèm hát cũng có thể bán thêm giải khát nên cuộc sống cũng khấm khá, dư dả...
Còn ở Đông Anh, nghe nói đa phần chủ các ngôi nhà cho thuê này là người nội thành họ đầu tư mua đất rồi xây nhằm mục đích cho thuê. Xem ra đây cũng là một hình thức đầu tư hợp lý bởi số lượng công nhân KCN Bắc Thăng Long có lúc cũng lên trên 60.000 người, trong khi nhà chung cư mà khu công nghiệp dành cho công nhân thuê cũng mới chỉ đáp ứng được cho khoảng 20.000 người. Trừ một số công nhân người địa phương, còn lại đều phải thuê nhà của dân ở các khu vực quanh đây để ở. Phải nói rằng việc xây dựng các KCN đã làm đổi mới, sầm uất thêm cho các địa phương này nhưng mặt khác cũng kéo theo một số tệ nạn xấu nếu chúng ta không biết cách quản lý hạn chế các tiêu cực này. Một trong những cách quản lý có hiệu quả nhất đó là chăm lo tới đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân cũng như dân cư ở khu vực này... Bên cạnh đó, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân nơi đây thì luôn trong tình trạng thiếu thốn mà chưa tìm ra cách khắc phục...
Phòng trọ “ba không”
Do đã có liên hệ trước với Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh nên chúng tôi quyết định tới KCN Yên Phong trước, chiều mới quay về KCN Bắc Thăng Long. Vừa tới thôn Ấp Đồn, xã Yên Trung, huyện Yên Phong chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Ngọc An, Phó trưởng ban tuyên giáo Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh đứng chờ sẵn. Đây là thôn có nhiều nhà dân dám mạnh dạn đầu tư làm nhà trọ cho nên rất nhiều công nhân đã đến thuê trọ ở đây. Vừa kịp bắt tay chào hỏi xong, chúng tôi cùng tiến vào thôn, rất lạ, đã gần trưa rồi mà mọi con đường vào thôn sao vẫn vắng hoe! Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Nguyễn Ngọc An vội giải thích, vắng người không phải do công nhân ở đây thiếu việc về quê mà do giờ này các công nhân ca ngày thì vẫn ở KCN, còn người làm ca đêm thì ngủ chưa dậy. Chúng tôi đùa vui với ông An, cán bộ Công đoàn tỉnh nắm chắc địa bàn thế này thì chắc công nhân có nhờ rồi. Quả thực, đi vòng vèo trên các con đường đã bê tông hóa trong thôn đến các khu nhà trọ… hầu hết các phòng đều cửa đóng then cài, lặng im.
Nhìn đồng hồ đã sắp 12 giờ trưa, đang chưa biết hỏi ai thì may sao một cửa một phòng bật mở, một cô gái trẻ đang lúi húi lau nhà. Giới thiệu, hỏi chuyện, mới hay cô tên là Phạm Thị Tho, 20 tuổi. Quê Tho ở Nghệ An và cô đã có thâm niên làm công nhân cho công ty Samsung đã gần 2 năm nay. May trong đoàn hôm nay cũng có một bác cùng quê với Tho nên cuộc trò chuyện càng thêm rôm rả. Tôi hỏi Tho về cuộc sống của người công nhân ở đây. Vẫn giọng Nghệ nằng nặng, Tho bảo: “Đời sống công nhân có chi mà kể mô chị, ngày đi làm, tối về lăn ra ngủ rồi lại dậy đi làm. Bữa mô đi làm đêm thì ngày chỉ ngủ bù. Bọn em ở đây làm ca đêm từ 7h tối đến 9h sáng hôm sau mới hết ca. Nhìn rứa chứ khi mô cũng thèm ngủ cả. Lo ngủ nên nhiều khi không có thời gian để nấu cơm, rứa là rủ nhau ra hàng ăn bình dân, xong lại tắm giặt để chuẩn bị đi làm. Ngày mô cũng cứ từng nớ việc mà chị”. Hỏi đến thu nhập, Tho cho biết bình quân tổng thu nhập của công nhân có thâm niên như Tho là khoảng từ 6-7 triệu đồng/tháng. Tho tính chi tiêu tằn tiện cho ăn uống, thuê nhà, điện, nước và chi dùng cá nhân hết tầm trên 2 triệu đồng/tháng nên vẫn còn tiền tích cóp để lấy chồng và gửi về giúp đỡ cha, mẹ nuôi 4 em ăn học.
Góp chuyện cùng Tho là bạn Nguyễn Thị Soa cũng đến từ Nghệ An. Soa mới làm tại Công ty Samsung 7 tháng nên tổng thu nhập một tháng chỉ khoảng 4 triệu đồng. “Thu nhập của em hiện hơn rất nhiều bạn tại khu công nghiệp này. Tuy nhiên, một tháng em chỉ dám tiêu chưa tới 2 triệu đồng. Khi nào tăng ca được ăn cơm trưa và tối may ra còn tiết kiệm thêm được tí chút. Còn chuyện làm thêm giờ thì cả Tho và Soa đều khẳng định “dù có mệt, nhưng vẫn rất thích làm thêm giờ, nếu ở nhà thì vừa không được thêm lương mà vấn phải tốn tiền ăn như thường”.
Người ta bảo hãy đến các khu công nghiệp vào giờ tan tầm để ngắm cảnh hàng nghìn công nhân nam, nữ đổ ra cổng nhà máy rồi vội vã trở về khu nhà trọ sau giờ làm việc. Lúc đó, qua ánh mắt, vóc dáng và gương mặt của họ bạn sẽ cảm nhận được ít nhiều về đời sống của người công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) này.
Biết vậy nên chúng tôi cố tìm hiểu nói chuyện ở đây sao kịp giờ tan tầm về đến KCN Bắc Thăng Long. Dự định vậy nên khoảng hơn 4 giờ chiều chúng tôi đã lảng vảng ở cổng khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Chờ mãi mới thấy lác đác vài tốp công nhân vội vã đi ra khỏi cổng khu công nghiệp... Lạ lùng, sao giờ tan tầm hôm nay vắng thế! Không kịp chờ để hỏi ai, chúng tôi tìm tới các khu nhà trọ của công nhân… Trên đường đi, may mắn, gặp một nữ công nhân, từ trong thôn đi ra, hỏi chuyện biết tên chị là Minh, 25 tuổi đang làm việc cho một nhà máy chuyên sản xuất linh kiện TV. Hoá ra, giờ tan tầm thiếu vắng công nhân ra về vì nhiều nhà máy trong KCN đang không đủ việc làm nên phải cho công nhân nghỉ chứ không giống như KCN Yên Phong. Mấy tháng vừa rồi, không riêng gì công ty nơi Minh làm việc, mấy công ty quanh đây đều thiếu việc làm cho công nhân… Nghe họ nói, đó là do ảnh hưởng của suy giảm, suy thoái kinh tế gì đấy... Thấy chị mua vài bìa đậu phụ với mớ rau của một hàng nhỏ ở “chợ cóc” thôn Bầu, tôi đùa hỏi: “Bữa tối em mua chỉ chừng này thì hôm sau lấy sức đâu mà đi làm?” - chị cười: “Mai vẫn chưa có việc, không việc làm chỉ ăn thế này thôi… Em quê ở xa nên không về được, nên ở lại chờ có việc thì làm ngay”... Đi sâu vào thôn Bầu mới thấy, nhiều phòng trọ đang lâm vào cảnh vắng khách thuê do công nhân về quê chờ việc...
Cũng như các phòng trọ ở KCN Yên Phong. các phòng trọ ở đây hầu như cùng diện tích khoảng 8-10m2, nền được lát bằng gạch 30x30cm loại rẻ tiền. Nhiều phòng, qua mấy năm sử dụng lún không đều nên mặt nền đã võng xuống, đầy mùi ẩm thấp. Các phòng có diện tích như thế đều được sắp xếp bố trí làm đủ các chức năng: bếp, ăn uống, ngủ nghỉ như tất cả các phòng trọ công nhân ở các KCN từ Bắc chí Nam. Giá thuê căn phòng như thế này là 500-700 ngàn đồng/tháng, nếu thuê căn hộ khép kín thì giá đắt hơn rất nhiều. Nhiều nữ công nhân có con nhỏ phải nhờ mẹ mình mang gạo lên trông cháu đều sống chung trong căn phòng như thế. Đặc biệt, chúng tôi hầu như không gặp một phòng trọ nào trang bị tivi, máy tính có kết nối mạng internet hay một vài quyển sách, tờ báo... Đúng “tiêu chuẩn” phòng trọ “ba không”!
Có thể nói các công nhân lao động ở các KCN đều bị áp lực lo lắng về đời sống vật chất khá nặng nề. Nơi công việc đủ làm nên thu nhập khá ổn định nhưng có nơi đang bị thiếu việc nên DN phải cố gắng dành 70% lương cho công nhân. Nhưng đời sống tinh thần của người lao động mà nhất là đối với nữ lao động thì luôn trong tình trạng chung không có gì để vui chơi giải trí, “đói” văn hóa triền miên… Dù về chính sách, chúng ta đã có Nghị quyết 20/NQ-TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (Khóa X) là phải tạo được chuyển biến thật sự mạnh mẽ, rõ rệt trong nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, tương xứng với những đóng góp của họ trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; đồng thời, theo Quyết định số 1780 ngày 12/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015 phải có 50% công nhân ở các khu công nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; 50% “doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đó là bài toán khó cho các KCN cũng như của các ngành, các địa phương, nếu không toàn tâm toàn ý đưa chính sách vào cuộc sống.
Mặt khác, cũng thấy rằng nhờ sự phát triển của các KCN mà đời sống của người dân nơi đây đã được nâng lên rõ rệt. Vì vậy các KCN nên kết hợp hoạt động văn hóa, văn nghệ thật tốt giữa địa phương để cùng nâng cao đời sống văn hóa cho người dân địa phương cũng như cho các công nhân. Một ví dụ điển hình ở Ấp Đồn, quán karaoke vẫn có công nhân đến hát hò vui chơi…Thiết nghĩ, nếu các cấp chính quyền địa phương, DN thực tâm chú ý đến đời sống văn hóa công nhân thì sẽ có cách để dành họ có giờ giải lao để bồi bổ tinh thần, đảm bảo cho xã hội môi trường sống tại địa phương an lành, bổ ích. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa tới hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan đến xây dựng đời sống CNLÐ như công tác xây dựng, phê duyệt, cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư cho các KCN, luật hóa các nội dung phương thức tổ chức hoạt động văn hóa, điều kiện khi xây dựng KCN và quan tâm việc thành lập tổ chức công đoàn tại các KCN; nên cho các tổ chức công đoàn này trực thuộc công đoàn ngành, nghề để dễ phối hợp chỉ đạo. Đó chính là những quan tâm thiết thực nhất tới công nhân chứ không chỉ là sự tôn vinh họ trong ngày Quốc tế Lao động...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.