(HNM) - Di cư là một thử thách lớn trong tình cảm vợ chồng và sự bền vững của các gia đình. Bởi lẽ, môi trường sống đô thị vô cùng khác biệt so với nông thôn và có nhiều cám dỗ...
Đứt đoạn tình cảm
Việc sống xa cách nhau thường xuất hiện các trạng thái tình cảm cả tích cực và tiêu cực trong quan hệ tình cảm vợ chồng. Nhiều gia đình trước di cư thường xuyên đánh đập, bỏ bê nhau nhưng sau khi người vợ hay người chồng đi làm ăn xa, hiện tượng cãi vã, đánh nhau không còn nữa. Trạng thái tình cảm yêu thương, gắn bó xuất hiện nhiều hơn do cả người đi và người ở lại nhận thức được những đóng góp và sự hy sinh thầm lặng của nhau. Tuy nhiên, các cảm xúc tiêu cực phổ biến hơn nhiều. Một số nam giới ở nhà thường mang tâm trạng tự ti vì cảm thấy vợ lạnh nhạt, coi thường mình ở nhà không làm ra tiền. Trong khi đó, một số phụ nữ thường lo lắng lòng chung thủy của người chồng khi sống xa gia đình.
Tình cảm vợ chồng và sự bền vững của các gia đình là một thử thách lớn khi một trong hai người đi làm ăn xa. |
Nghiên cứu trên 300 gia đình ở xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam do Viện Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tiến hành cho thấy, 85,2% nam và 90,4% nữ cảm thấy nhớ nhung, buồn chán; 16,4% nam và 22,6% nữ lo lắng vợ, chồng bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội; 4,9% nam và 18% nữ lo lắng vợ, chồng không chung thủy. Cũng theo số liệu cuộc điều tra, 53,3% số người được hỏi cho biết, trong 12 tháng qua, chồng hoặc vợ họ chưa về thăm nhà lần nào. "Cố gắng chịu đựng" và "tâm sự qua điện thoại" là cách thức phần lớn người di cư đã dùng khi giải quyết các khó khăn trong tình cảm vợ chồng. Số khác thường tâm sự với bạn bè hoặc tiếp tục lao đầu vào công việc để khuây khỏa. Đáng chú ý, không ít trường hợp đi uống rượu, chơi bài bạc để quên đi nỗi buồn.
Thái độ ghen tuông, nghi ngờ thường xảy ra ở một bộ phận nam giới ở nhà. Ở xa, dù người vợ chỉ lo làm ăn không tơ tưởng gì nhưng có ông chồng vẫn nghi ngờ, ghen tuông. Một phụ nữ ở Đức Lý chia sẻ: "Anh nhà em thấy em ăn mặc đẹp lên, áo len vài chiếc, lại còn mang về nhà nhiều quần áo cho mọi người. Anh ấy bảo có mùi gì là lạ". Có phụ nữ tâm sự, nhiều khi trong câu chuyện, kể cho chồng nghe "lỡ nói về sự sạch sẽ ở đây, thế là anh ấy lại nghĩ mình so sánh, chê chồng lạc hậu".
Nguy cơ đổ vỡ gia đình
Theo thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Tâm, Viện Gia đình và Giới, việc không thỏa mãn các nhu cầu tâm sinh lý trong tình cảm và quan hệ vợ chồng nếu kéo dài có nguy cơ gây đổ vỡ gia đình hoặc dẫn tới việc người chồng đi tìm những mối quan hệ bên ngoài vốn tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực đến sức khỏe và nhiều hệ lụy khác. Báo chí đã từng nêu lên một hiện tượng đáng buồn của một xã tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cách đây 3 năm. Hơn 300 phụ nữ ở địa phương này đã phải sống trong mòn mỏi từ nhiều năm vì những ông chồng của họ đi làm ăn ở miền Nam, sống nhiều năm xa gia đình nên đã có thêm "chốn nương thân thứ hai". Những người chồng thường biền biệt, thậm chí vài năm họ mới về thăm quê một lần thì đa phần đều có thêm gia đình thứ hai ở nơi họ đến nhưng vẫn duy trì gia đình ở quê. Những người đàn ông này hầu như không có trách nhiệm nào với gia đình đầu tiên của họ, còn phụ nữ thì không dám ly hôn vì con cái và vì tài sản, mà với họ, cả cuộc đời đã sống ở nhà chồng nên sẽ là tay trắng nếu ly hôn.
Ở Đức Lý, không ai thừa nhận họ có những quan hệ bên ngoài để giải tỏa các nhu cầu sinh lý. Tuy nhiên, có thể khẳng định điều này không đúng với những người đi làm ăn xa. Bởi đời sống tình cảm vợ chồng vốn do cả hai cùng xây đắp, duy trì đã bị hoàn cảnh mưu sinh gây xáo trộn, chia cắt, trong khi các biện pháp để bù đắp sự thiếu hụt luôn không đầy đủ. Vì thế những người trong cuộc, phần lớn là người chồng đã đi tìm kiếm các mối quan hệ ngoài luồng. Một nghiên cứu khác của Viện Gia đình và Giới cũng cho thấy, 54% đàn ông thừa nhận việc giải tỏa nhu cầu sinh lý của họ bằng việc tìm đến gái mại dâm.
Không chỉ có nam giới đối mặt với các trở ngại. Di cư, ở một mức độ nào đó cũng tác động đến tâm tư suy nghĩ của phụ nữ về hình ảnh người chồng ở nhà. Đành rằng việc những phụ nữ nông thôn ra thành phố làm ăn, chán chồng rồi phụ bạc chồng không phải là nhiều, nhưng không phải là không có. Đây cũng là một tác động tiêu cực của di cư.
Cho tới hiện nay, nước ta vẫn chưa có chính sách quốc gia giải quyết thỏa đáng những vấn đề liên quan đến bảo trợ xã hội với người di cư. Trên thực tế, các quyết định, biện pháp liên quan đến vấn đề di cư thường thiên về quản lý, đặt ra thêm các rào cản. Cũng chính vì lý do này, đời sống hôn nhân của người di cư còn rất khó khăn dù ai cũng biết những đóng góp về kinh tế xã hội của họ là rất lớn và là dòng chảy tất yếu trong cuộc sống hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.