Đời sống

Nâng cao chất lượng chỗ ở, bảo đảm an toàn cho lao động di cư

Nguyệt Ánh 04/06/2024 - 12:37

Ngày 4-6, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo tham vấn các tiêu chí về nhà trọ an toàn, thân thiện cho lao động di cư.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng chỗ ở bảo đảm an toàn và đáp ứng tiêu chí đề ra cho lao động di cư trong nước và gia đình tại Việt Nam” được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5915/QĐ-UBND ngày 20-11-2023.

di-cu-4.jpg
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu. Ảnh: Bảo Lâm

Tham dự có đại diện Tổ chức di cư quốc tế (IOM), các chuyên gia, đại diện các sở, ban, ngành thành phố; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện Đông Anh và huyện Mê Linh…

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: Hiện nay, Hà Nội có 10 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300ha. Đến hết năm 2022, số lao động làm việc tại các khu công nghiệp có khoảng 167.000 người. Thành phố có 4 dự án nhà ở cho công nhân, lao động các khu công nghiệp đã và đang tiến hành xây dựng cho khoảng 22.420 chỗ ở, hoàn thành được 8.388 chỗ ở và bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ ở.

Trong đó, khu nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Ðông Anh có diện tích 20 ha, gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng, 4 tòa nhà 15 tầng, đáp ứng khoảng 12.000 chỗ ở. Ngoài ra, có khu nhà ở xã hội kết hợp thương mại cho công nhân thuê hoặc mua gồm 1 tòa nhà cao 12 tầng và 2 tòa nhà cao 9 tầng, tổng cộng có 484 căn hộ. Tuy nhiên, khu nhà chỉ đáp ứng được một phần nhỏ chỗ ở của người lao động có nhu cầu thuê nhà ở. Nhiều công nhân vẫn phải thuê nhà trọ tại khu dân cư.

di-cu-3.jpg
Các đại biểu thảo luận. Ảnh: Bảo Lâm

Dự án “Nâng cao chất chỗ ở bảo đảm an toàn và đáp ứng tiêu chí đề ra cho lao động di cư trong nước và gia đình tại Việt Nam” được triển khai, cùng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền thành phố và các địa phương sẽ góp phần nâng cao nhận thức, hỗ trợ, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của người lao động nhập cư ở các khu nhà trọ xung quanh khu công nghiệp, đặc biệt là lao động nữ.

di-cu-2.jpg
Trưởng đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Việt Nam Park Mihyung phát biểu. Ảnh: Bảo Lâm

Theo bà Park Mihyung, Trưởng đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Việt Nam, bộ công cụ đánh giá chỗ ở cho lao động di cư sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa nhu cầu của người lao động về một chỗ ở đảm bảo. Công cụ này dựa trên hướng dẫn của Liên hợp quốc về quyền chỗ ở đầy đủ cũng như danh mục kiểm tra của IOM về chỗ ở trong hướng dẫn về quản lý lao động di cư cho người sử dung. “Chúng tôi mong mốn có thể áp dụng bộ công cụ này với các nhà trọ tư nhân cho người lao động trên cả nước, đồng thời, các cơ quan, chủ nhà trọ cũng như khu vực tư nhân cùng tìm ra phương án giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân”, bà Park Mihyung nói.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng đưa ra ý kiến về các tiêu chí đặt ra đối với các nhà trọ để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; cách thức chấm điểm của các tiêu chí khi các chủ nhà trọ tham gia dự án và áp dụng các tiêu chí đó.

Cụ thể, cần áp dụng bộ tiêu chí cho loại hình nhà trọ cao tầng, chung cư mini, bổ sung tiêu chí về an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các nhà trọ, chung cư mini, nhà trọ cao tầng; cần bổ sung Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, gia đình văn hóa, tổ dân số văn hóa áp dụng cho nhà trọ thân thiện…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng chỗ ở, bảo đảm an toàn cho lao động di cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.