Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2023/QĐ-TTg (ngày 10-8-2023) kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội.
Sau 5 năm thực hiện thí điểm, các bộ, ngành trung ương, sở, ngành và các quận, huyện, thị xã đều đánh giá đây là mô hình quản lý hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô.
Chuyển biến tích cực
Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22-6-2018 Thủ tướng quyết định thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội, hiệu lực từ 10-8-2018. Đánh giá về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô sau 5 năm thực hiện mô hình thí điểm, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, công tác quản lý trật tự xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực. Các công trình xây dựng đã được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, kịp thời phát hiện các vi phạm. Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc dư luận được hạn chế. Các công trình xây dựng vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng dần được giảm thiểu về số lượng và quy mô vi phạm. Các công trình vi phạm tồn đọng đã được rà soát, phân loại, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết...
Minh chứng cụ thể bằng số liệu, Sở Xây dựng chỉ rõ, so với cùng kỳ (4 năm trước khi thực hiện và sau khi thực hiện mô hình thí điểm): Tỷ lệ công trình có phép, miễn phép trên địa bàn thành phố tăng 2,9% (từ 96,59% lên 99,49%); tỷ lệ số công trình có vi phạm trên tổng số công trình xây dựng giảm 5,13% (từ 8,82% xuống 3,69%). Bên cạnh đó, số lượng công trình có vi phạm giảm 4.331 trường hợp (từ 7.142 trường hợp còn 2.811 trường hợp).
Có được kết quả nêu trên là do UBND cấp huyện, cấp xã đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện; điều hành sâu sát hơn trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã chủ động thường xuyên bám sát địa bàn, rà soát, kiểm tra từ khi công trình được khởi công đến khi đưa vào sử dụng, từ đó hạn chế được vi phạm.
Đặc biệt, theo đánh giá của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, việc thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND cấp huyện đã thực sự tạo sự chủ động, thống nhất, tính chịu trách nhiệm toàn diện tập trung, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương.
Chức năng, nhiệm vụ của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, trách nhiệm, cơ chế tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng được quy định rõ ràng, cụ thể, bảo đảm nguyên tắc 5 rõ “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”. Tình trạng chồng chéo chức năng hoặc đùn đẩy, né trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng đã được hạn chế so với khi triển khai các mô hình trước đây.
Tại sao vẫn tiếp tục thí điểm?
Tại báo cáo tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện mô hình thí điểm, lãnh đạo Sở Xây dựng đã đánh giá mô hình thí điểm hiện nay là phù hợp với thực tiễn quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô. Sau 5 năm thực hiện, mô hình thí điểm phát huy tính ưu việt, nổi trội so với các mô hình trước đây.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá, Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy thành lập chính thức Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND cấp huyện tại thành phố Hà Nội. Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị là tổ chức hành chính thuộc UBND cấp huyện (tương đương các phòng, ban chuyên môn). Báo cáo cũng nêu rõ: Trong thời gian chưa được thành lập chính thức, đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm để bảo đảm ổn định đội ngũ và duy trì hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn kể từ ngày 10-8-2023 (do đây cũng là thời hạn quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện mô hình thí điểm hết hiệu lực).
Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội) Trần Mạnh Thắng lý giải, việc chính thức hóa mô hình này trong thời điểm hiện nay còn vướng hành lang pháp lý liên quan đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, thành phố Hà Nội đã đề xuất được bổ sung quy định cho phép Hà Nội được thành lập các cơ quan đặc thù nằm ngoài quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện tại Luật Thủ đô 2012 (sửa đổi). Dự án Luật trên cũng đã được Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội. Hiện tại Luật Thủ đô 2012 là dự án Luật đã được đưa vào chương trình sửa đổi, bổ sung, dự kiến trình Quốc hội năm 2023.
“Nếu đề xuất trên được ghi nhận trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô thì sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc công nhận chính thức tổ chức và hoạt động của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn Thủ đô", đồng chí Trần Mạnh Thắng lập luận. Tuy nhiên, để Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, trong đó có quy định Hà Nội được phép thành lập đơn vị đặc thù cần có một khoảng thời gian nhất định (có thể từ 2 đến 3 năm). Do đó, thành phố đã có tờ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện mô hình như hiện nay kể từ ngày 10-8-2023 cho đến khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.